Chủ tịch Quốc hội: Xin ý kiến cấp có thẩm quyền về lãi suất cho vay đặc biệt
Thống đốc: Không lấy tiền ngân sách để cho vay đặc biệt lãi suất 0% Thống đốc: Chỉ cho vay đặc biệt lãi 0% khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt |
Ngày 10/6, tiếp tục phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đến nay tiếp tục được sửa đổi để giải quyết các vấn đề hết sức cấp bách liên quan đến vấn đề kinh tế, hoạt động của ngân hàng.
Do đó, ông đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đảm bảo thống nhất trong nội tại của Luật, rà soát với các luật khác cũng như các dự thảo luật đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 hiện nay nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trong đó có quy định tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần là đưa tất cả các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với một luật đang nằm rải rác ở các luật khác theo quy định tập trung tại một dự thảo luật có liên quan nhất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát thêm nội dung này.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rà soát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng như quy định pháp luật khác có liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới nếu cần thiết. Nhấn mạnh đây là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong thời gian qua cũng như ý kiến thẩm tra đã đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã giải trình theo hướng tiếp thu, rà soát, theo dõi quá trình thực thi khi dự thảo Luật được thông qua. Trường hợp phát sinh khi cần thiết, Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý các vướng mắc trong thi hành luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định trong dự thảo luật theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật này tương tự như quy định tại khoản 5 Điều 71 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Liên quan đến quy định khoản cho vay đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành việc phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời nhất trí với phương án chỉnh lý của Chính phủ về việc bỏ quy định chuyển tiếp đối với khoản cho vay đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước quyết định trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Đối với lãi suất cho vay đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, trong văn bản kết luận của cấp có thẩm quyền chưa thể hiện rõ ý kiến về mức lãi suất cho vay đặc biệt, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã có công văn gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp về nội dung này.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khẩn trương tổng hợp các nội dung để báo cáo Đảng ủy Quốc hội, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn thiện quy định về lãi suất cho vay đặc biệt.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu và Cơ quan chủ trì thẩm tra về quy định liên quan đến điều kiện để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa UBND cấp xã và Cơ quan công an cấp xã.
Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho chính quyền 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) để xử lý tài sản. Đối với những vấn đề còn vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra để xử lý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu tiếp thu và giải trình tương đối đầy đủ ý kiến của Cơ quan thẩm tra và của đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ cũng như tại hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các phương án giải trình, tiếp thu mà Chính phủ đề xuất trong báo cáo số 481/BC-CP. Để tiếp tục hoàn thiện chất lượng dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp hoàn thiện, tiếp thu một số nội dung.
Thứ nhất, đối chiếu các quy định của dự thảo luật với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, các luật khác cũng như các dự thảo luật đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (trong đó có dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới (nếu cần thiết); đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật này để đảm bảo thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quy định về lãi suất cho vay đặc biệt trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn và cơ chế điều hành chính sách tiền tệ.
“Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ sớm tổng hợp ý kiến để báo cáo về nội dung này và báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Thứ ba, về các điều kiện để thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát để làm rõ các điều kiện này; rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế phối hợp với UBND cấp xã và Cơ quan công an cấp xã; việc ủy quyền thu giữ tài sản, bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện công khai, minh bạch, chặt chẽ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tài sản bảo đảm cũng như các bên có liên quan.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án của Chính phủ về việc bỏ quy định chuyển tiếp đối với khoản vay đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước quyết định trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/8/2025.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, về nhóm chính sách chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng Trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các quy định về xử lý các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo chế độ tài chính của ngân hàng này. “Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng cho hai trường hợp: một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để chi trả cho người gửi tiền, hai là để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở. Như vậy, cho vay đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng, hạn chế nguy cơ rủi ro lan truyền sang các tổ chức khác, hoặc hỗ trợ phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc nhằm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc phát biểu. Thống đốc cũng nhấn mạnh, khoản 3 Điều 194 Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt. Thực hiện quy định này, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, quy định cụ thể mục đích, số tiền, thời hạn, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay và trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi dự thảo luật được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 37/2024/TT-NHNN liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của đơn vị được vay và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi cho vay, kiểm soát nguồn tiền để tránh rủi ro, tránh lạm dụng chính sách. Điều này nhằm giảm áp lực tái cấu trúc nội tại của ngân hàng, tăng cường tính minh bạch về trình tự, thủ tục cho vay, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể xảy ra, phòng tránh rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách và hiệu ứng phụ, bảo đảm niềm tin và công bằng thị trường. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, đây là nội dung đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Nhà nước báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo Tờ trình số 04-TTr/ĐUNHNN ngày 29/4/2025. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh, quy định về lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia và nguồn lực của nền kinh tế. Do còn có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện quy định về lãi suất cho vay đặc biệt trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền. |