Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp: Nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, quy định cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong lớp tích cực nhưng chưa phù hợp với nhận thức.
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trên lớp để phục vụ học tập
Nhiều ý kiến trái chiều quanh quy định cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học
Nhiều ý kiến trái chiều quanh quy định cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học (Ảnh minh họa)

Phụ huynh lo lắng

Bộ GD&ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Nếu so với thông tư 12/2011/TT-BGDĐT bị thay thế, thì thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh.

Không phủ nhận những giá trị mà thiết bị công nghệ thông minh mang lại trong thời đại công nghệ số rất hữu ích nhưng nhiều phụ huynh đánh giá, nó chỉ phù hợp với từng lứa tuổi. Trên mạng xã hội còn đầy rẫy những tệ nạn chưa thể kiểm soát.

Chị Nguyễn Việt Hưng (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Cấp học THCS là độ tuổi các con tò mò tìm hiểu về cuộc sống, nhu cầu sinh lý. Có bao nhiêu phần trăm học sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cho việc học sau giờ học bắt buộc? Liệu trong giờ học bắt buộc, có bao nhiêu phần trăm các con học thực sự?”.

Đồng quan điểm, anh Hoàng Văn Hảo (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ: “Học sinh rất tò mò, có điện thoại là lập tức “chat chit”, xem video, xem phim trong đó có nhiều web đen, nội dung phản cảm. Trong khi bố mẹ ở nhà dùng mọi cách để hạn chế học sinh dùng điện thoại thì nhà trường cho phép liệu có bất hợp lý? Một lớp học có 40 – 50 học sinh, liệu thầy cô có quản lý được hết việc sử dụng điện thoại của các con?”.

Anh Hảo cũng cho rằng, việc sử dụng điện thoại thông minh trong việc tra cứu tài liệu sẽ khiến học sinh thụ động, học máy móc, mượn bộ nhớ của Google thay vì ghi nhớ bằng não bộ của mình. Điều này vô tình khiến các con trở nên lười tư duy. Đó còn chưa kể đến việc những học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo không được mua điện thoại thông minh sẽ mặc cảm, tự ti với bạn bè của mình như thế nào?

Giáo viên nhận định chưa phù hợp

Nhiều giáo viên chia sẻ, việc học sinh dùng smartphone luôn có hai mặt, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển.

Theo thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), quy định cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học nhằm mục đích tra cứu tài liệu là tích cực nhưng chưa phù hợp với nhận thức của học sinh.

Từ thực tế trong công tác quản lý, thầy Phi chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta có thể dễ dàng sở hữu được một chiếc điện thoại kết nối wifi, có đầy đủ tính năng chỉ với vài triệu đồng. Vì vậy, rất nhiều em ở lứa tuổi học sinh đều có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, để quản lý các em sử dụng nó sao cho có hiệu quả lại không phải chuyện dễ dàng. Có rất nhiều học sinh học hành sa sút vì điện thoại, chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng hết giờ học để lướt web, xem tin nhắn. Từ môi trường giao tiếp trên mạng nảy sinh nhiều vấn đề”.

Thầy Phi lấy dẫn chứng từ những vụ bạo lực học đường phát tán lên môi trường mạng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Cũng từ mạng xã hội, không ít thói hư tật xấu xâm nhập vào trường học, làm ảnh hưởng đến học sinh.

“Vì vậy, quy định này chỉ thực sự có hiệu quả khi giáo viên làm tốt được công tác quản lý, giám sát học sinh trong việc sử dụng điện thoại. Tiết học nào các em được dùng, tiết học nào không được dùng”, thầy Phi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với thầy Phi, thầy Lê Trung Hiệp, Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) nhận định, quy định mới này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải kiểm soát thật tốt.

Thầy Hiệp cho biết: “70 - 80% học sinh có điện thoại thông minh. Trong khi đó wifi, 3G, 4G có ở khắp mọi nơi. Vì vậy, không quá khó khăn để học sinh có thể vào mạng. Trong thế giới mà “cái gì không biết thì tra Google, việc được phép sử dụng điện thoại thông minh mang đến nhiều hiệu quả, giúp học sinh làm chủ công nghệ, nhanh chóng tiếp cận tri thức. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường”.

Để học sinh sử dụng có hiệu quả điện thoại, ứng dụng vào học hành cần có sự giám sát chặt chẽ từ giáo viên.

“Để chuẩn bị cho ngày 1/11, quy định chính thức có hiệu lực, chúng tôi đã làm công tác quán triệt đến tất cả các bộ phận, giao cho giáo viên, Đoàn Thanh niên tuyên truyền, hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại thông minh có hiệu quả trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giám sát chặt chẽ học sinh, chỉ tiết học nào thật sự cần thiết mới sử dụng điện thoại”, thầy Hiệp nhấn mạnh.

Không cấm không có nghĩa là được dùng thoải mái, không có kiểm soát

Thông tin về quy định mới này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên.

Hiện nay, trong bối cảnh xã hội chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục đang hướng dẫn và khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Khi đã dạy học qua internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác...

Với thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh.

Giải đáp lo lắng về tình trạng học sinh có thể mất tập trung khi sử dụng điện thoại trong giờ học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ: Trong một giờ học của một lớp học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy, có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.

Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động