Chính phủ yêu cầu xử lý kịp thời các tiêu cực, vi phạm lĩnh vực ngân hàng
Nóng: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành Các ngân hàng thanh khoản dồi dào, không thiếu vốn Thủ tướng giao 6 nhiệm vụ cho toàn ngành ngân hàng |
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 46/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2023 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, cần tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, tăng cường thực hiện nhiệm vụ lập pháp của Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều đột phá về thể chế để sửa đổi các quy định chưa phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung các quy định về các vấn đề mới.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo và giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật.
Ảnh minh họa. |
Nghị quyết nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng và các yêu cầu, định hướng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời phải đặt lợi ích chung của đất nước là mục tiêu của việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); các quy định phải khắc phục được các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, góp phần khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xử lý vấn đề sở hữu chéo, góp phần phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng.
Chính phủ yêu cầu, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, thu giữ tài sản bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định việc cho vay đặc biệt, không quy định việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung này để phù hợp với tinh thần tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.