Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh điều tra vụ sản xuất gần 600 loại sữa giả

Các lãnh đạo Chính phủ vừa liên tiếp có các công điện về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả.
Sản xuất 573 nhãn hiệu sữa giả: Cần xử lý nghiêm để răn đe Bộ Công an thông tin vụ án sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa giả

Theo đó, Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4 của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo phản ánh của báo chí, vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo lắng, bất an vì đã lỡ mua, sử dụng các sản phẩm sữa này.

Việc quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống thực phẩm giả đã được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

Nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sữa giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh điều tra vụ sản xuất gần 600 loại sữa giả
Sản phẩm sữa giả được công an phát hiện.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Các Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng ký Công điện số 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo nội dung công điện, vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương; đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông. Thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.

Cùng đó, Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Trong khi đó, Bộ Công an được giao tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nêu trên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công an các cấp tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Trước đó, như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin liên quan đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can của Công ty Rance Pharma và Hacofood Group để điều tra về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo buộc của cơ quan công an, thành phần công bố gồm có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ đi một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung các chất phụ gia khác.

Các loại sữa bột giả của Hacofood Group và Rance Pharma được phân phối ra thị trường toàn quốc, chủ yếu dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm này cùng chung một nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất. Các bị can chỉ đạo bổ sung hoặc thay thế một số nguyên liệu chính, thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.

Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Khi phân phối, các nghi phạm thuê cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội để bán hàng. Nhằm sản phẩm được nhiều người biết đến, các bị can đã thông tin sai sự thật, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm.

Đến thời điểm bị bắt, đường dây bị cáo buộc sản xuất 573 loại sữa bột giả để tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỷ đồng. Cảnh sát còn xác định, Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Quá trình khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc, công an thu 84 loại sản phẩm sữa bột. Trong đó có 26.740 lon của 90 lô sản xuất sữa, cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.

Hậu Lộc
Phiên bản di động