Chàng thanh niên khiếm thính và con đường trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng
Chàng thanh niên Yên Bái sản xuất nước rửa tay phòng, chống dịch Covid-19 từ quế Chàng thanh niên khởi nghiệp từ ống tre thu về "cơ ngơi" 10 tỷ mỗi tháng |
Nhìn chàng thanh niên sinh năm 1991 với nụ cười và ánh mắt luôn ánh lên niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống này không ai có thể nghĩ Vũ Gia Nguyên đã phải trải qua tuổi thơ nghiệt ngã và chặng đường đến với nghề chăm sóc khách hàng lại nhiều gian nan như thế.
Tuổi thơ "nghiệt ngã" sau một sự cố nhỏ
Sinh ra khỏe mạnh và lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng chỉ một sự cố nhỏ xảy ra đã khiến cậu bé Nguyên không thể nói và nghe được nữa.
Ngày còn nhỏ, một lần chú của Nguyên đã cho cậu uống nước đá lạnh. Ngay lập tức, mặt Nguyên trở nên tím tái. Bố mẹ lo lắng và đưa cậu vào bệnh viện.
“Khi vào bệnh viện, bác sĩ nói rằng tôi đang trong trạng thái gần như ngừng thở. Mẹ tôi đã khóc nhiều và cầu xin bác sĩ cứu tôi. Thật may mắn, sau 7 ngày cấp cứu, tôi đã được cứu sống. Cũng tại khoảnh khắc đó, bác sĩ đã thông báo cho gia đình tôi một tin động trời đó là tôi sẽ bị điếc mãi mãi, sẽ không nghe và nói được nữa. Nghe được tin này, gia đình tôi vô cùng đau đớn và thất vọng. Vì thương nên họ đành chấp nhận với suy nghĩ dù sao tôi vẫn còn sống, thế đã là một may mắn rồi”, Nguyên trầm tư chia sẻ.
Sau sự cố đó, cậu bé Nguyên trở nên trầm tính, hay buồn và luôn nghĩ mình từ nay đã trở thành gánh nặng cho gia đình mặc dù lúc nào bố mẹ cũng thay nhau ở nhà để làm bạn để cậu không cảm thấy cô đơn.
Vũ Gia Nguyên (áo đen) cùng các đồng nghiệp tại TokyoLife |
Bước ngoặt tuổi thơ thay đổi khi vào lớp 1, Nguyên được bố mẹ gửi đến theo học tại trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội). Ở đây, lần đầu tiên Nguyên học được cách nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua các ký hiệu.
Thời gian đầu cực kỳ khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của cô giáo cũng như bố mẹ, chị gái và đặc biệt là Chi hội người điếc Hà Nội đã giúp cậu đọc được sách và hiểu các thông tin trên internet cũng như những kiến thức ngoài cuộc sống. Dần dần, Nguyên bắt đầu ý thức được là người câm nhưng vẫn có quyền được sống, được vui chơi như bao người khác.
“Tôi đã vượt qua rào cản bản thân, rào cản của xã hội để cố gắng đi học và học thật giỏi không muốn làm gánh nặng cho gia đình”, Nguyên chia sẻ thêm.
Trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng bằng khát khao được đối xử công bằng
Sau khi tốt nghiệp cấp 2 trường THCS Xã Đàn (quận Đống Đa), khắc sâu lời răn dạy của bố mẹ, vượt lên mặc cảm của bản thân, những bàn tàn xôn xao sau lưng của hàng xóm và xã hội, Nguyên cố gắng sống một cách vui vẻ, lạc quan. Cậu muốn tìm công việc gì đó để làm, chia sẻ gánh nặng cho gia đình và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Đối với một người khuyết tật, thời gian đầu tìm việc làm vô cùng khó khăn. Nguyên kể: “Tôi đi giao tiếp thì không ai hiểu, đi xin việc thì đến đâu cũng bị từ chối. Với sự kiên trì của bản thân và sự động viên từ gia đình, cuối cùng tôi cũng đã tìm được công việc làm phụ bàn. Khi nhận được công việc đầu tiên tôi rất bất ngờ không tin đấy là sự thật".
Ngày đầu đi làm về cậu cảm thấy công việc phù hợp và quyết định gắn bó với nghề này nhưng khi làm việc ở đây một thời gian cậu lại quyết định nghỉ việc.
"Trước kia, tôi đi làm phụ bàn cứ nghĩ đấy là công việc phù hợp nhưng một thời gian quản lý và nhân viên không hiểu nhau. Họ so sánh tôi với nhân viên khác khiến tôi và họ nảy sinh mâu thuẫn. Từ đó dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong công việc. Sau nhiều lần như vậy cuối cùng tôi xin nghỉ việc không làm phụ bàn nữa", Nguyên chia sẻ.
Lúc đầu nghe tin cậu nghỉ việc, bố mẹ cậu dù rất buồn nhưng họ vẫn động viên để cậu có động lực tìm một công việc khác.
“Không thể nghe, nói được nhưng tôi khát khao được đối xử công bằng, bình đẳng. Tôi muốn được trở thành một người bình thường. Dù bị câm điếc nhưng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy tôi có thể làm được nhiều việc, kể cả việc tư vấn các sản phẩm cho khách hàng”, Nguyên khẳng định.
Vũ Gia Nguyên càng ngày càng thấy yêu công việc tại TokyoLife |
Chính bằng sự khát khao và mong muốn đó, cuối cùng cậu đã trúng tuyển vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng tại hệ thống TokyoLife.
Tuy nhiên, việc theo đuổi nghề chăm sóc khách hàng trong mô hình “Ngôi nhà Thiên thần (Angel)” ở TokyoLife đối với một người khiếm khuyết như cậu là không hề dễ dàng, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ.
Nhờ sự chăm chỉ, cần cù nên cậu tiếp thu được khá nhanh và là một trong những người đi đầu luôn quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ các bạn khuyết tật Angel những ngày đầu. Ngoài ra cậu còn được chọn là người đào tạo cho các bạn Angel làm việc tại đây.
Nhờ sự thấu hiểu đối với những người có cùng hoàn cảnh, hiểu được người khuyết tật rất khó tìm được việc làm phù hợp nên cậu đã phải tự học hỏi trau dồi kiến thức để giúp các bạn có thể học, làm việc và chăm sóc khách hàng một cách tốt nhất. Việc giúp được các bạn khác trở nên tốt hơn mỗi ngày, cậu càng ngày càng yêu thích công việc của mình.
Chị Trần Thu Trang, Trưởng nhóm trong chăm sóc Angle trong hệ thống TokyoLife cho hay: "Nguyên là một người đồng đội xuất sắc của tôi. Việc hướng dẫn đào tạo và chăm sóc các bạn khuyết tật gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên đã giúp tôi rất nhiều bằng việc dạy cho chúng tôi những ký hiệu riêng của người khiếm thính, chia sẻ về đặc điểm riêng của những người này. Nguyên dẫn đi gặp từng người trong mô hình Ngôi nhà Thiên thần để làm quen nên tôi hòa nhập rất nhanh chóng. Nhờ đó mà công việc của tôi đạt kết quả tốt”.
Vũ Gia Nguyên và đồng nghiệp |
Nói về hướng đi công việc sắp tới của mình Nguyên chia sẻ: "Tôi vẫn muốn ở đây để chăm sóc các thiên thần của mình, bởi các bạn khuyết tật rất cần một người thấu hiểu và dẫn dắt họ. Cũng giống như tôi trước kia, tại công ty này, tôi cũng muốn người khuyết tật và người bình thường đều có thể cùng làm việc, giúp đỡ nhau phát triển”.
Làm việc tại mô hình dành cho người khuyết tật của TokyoLife, cậu càng ngày càng khẳng định được giá trị của bản thân trong xã hội và khẳng định với mọi người rằng dù bản thân có khiếm khuyết như thế nào nhưng chỉ cần dám vượt qua rào cản của chính mình, vượt qua khó khăn trước mắt thì nhất định sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong cuộc sống.