Cha mẹ ám ảnh trước vấn nạn bắt cóc trẻ con
Lo ngại vấn nạn bắt cóc trẻ con
Thời gian gần đây, các vụ việc bắt cóc trẻ em đòi chuộc tiền xảy ra ở Hà Nội và Long An khiến nhiều phụ huynh bày tỏ sự quan ngại và lo lắng cho sự an toàn của con em mình.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự quan ngại và lo lắng trước những vụ bắt cóc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây |
Trước đó, vào đêm 2/10, lực lượng công an đã truy bắt thành công Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, quê Long An) và giải cứu an toàn bé gái 3 tuổi bị Sơn bắt cóc đòi chuộc tiền 2 tỷ đồng.
Một vụ việc khác cũng từng rúng động dư luận đó là vụ bé gái chưa đầy 2 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bị đối tượng Giáp Thị Huyền Trang (quê Bắc Giang) bắt cóc, đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghi phạm đã mang cháu bé sang địa bàn tỉnh Hưng Yên sát hại sau đó tự sát.
Cách đó không lâu, bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên (Hà Nội) bị Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bắt cóc, đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng cũng gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị Phan Thị Nga (sống ở Hà Nội) cho biết: “Tôi có 2 con nhỏ đang theo học cấp 1, theo dõi trên mạng nhiều vụ việc bắt cóc, thú thực tôi rất sợ. Nhiều khi công việc cũng bận phải nhờ người đón, mà cứ tình trạng người quen bắt cóc tống tiền thì đúng là rất đáng lo”.
Theo chia sẻ, chị Nga và chồng đều đi làm về muộn, nhiều khi để con đợi thì không được, mà nhờ người đón thì cũng không an tâm sau những vụ việc vừa qua.
Anh Vũ Văn Hải lo lắng về vấn nạn bắt cóc trẻ con. |
Cùng quan điểm với chị Nga, song anh Vũ Văn Hải (sống ở Hà Nội) có con nhỏ đang theo học tại trường mầm non trên địa bàn Cầu Giấy cho hay: “Làm bố, làm mẹ mà chứng kiến những vụ việc bắt cóc tống tiền thì phụ huynh nào cũng hoang mang, lo sợ. Nên tôi và vợ hằng ngày đều cố gắng giảng dạy cho con các kỹ năng cần thiết để biết cách bảo vệ mình, cá nhân tôi cũng phải cẩn thận mỗi khi nhờ ai đó đi đón con nhỏ”.
San sẻ nỗi lo cùng phụ huynh
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, những vụ bắt cóc thời gian vừa qua như hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần cẩn trọng hơn trong vấn đề nhờ người đón trẻ.
Theo cô Nguyệt, các bậc cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn con em mình một số kỹ năng phòng bị như: Không nhận đồ của người lạ, không đi chơi một mình (kể cả đến những khu vui chơi gần nhà), dạy cho con thông tin của cha mẹ (số điện thoại, nơi công tác). Hạn chế mức thấp nhất đưa thông tin của các con lên mạng xã hội.
Các cháu nhỏ thường được các đối tượng bắt cóc nhắm đến. |
Cùng với đó, nhà trường cần đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, hướng dẫn cho trẻ cách đề phòng với những trường hợp bắt cóc thông qua những tiết học trên lớp.
“Khi tới trường, phụ huynh trực tiếp giao trẻ cho cô giáo tại lớp, không để trẻ tự vào lớp một mình. Phụ huynh chủ động và thường xuyên cập nhật thông tin của giáo viên để biết tình hình của con. Trong trường hợp nhờ người thân đón trẻ, phụ huynh phải chủ động cung cấp những thông tin cơ bản cũng như quan hệ của trẻ với gia đình và hình ảnh chân dung kèm theo", cô Nguyệt cho biết thêm.
Cô Nguyệt cũng chỉ ra một số ý kiến về việc phụ huynh cần xác định rõ về tình hình tài chính và một số mối quan hệ của người nhờ đón trẻ, vì đa phần các vụ bắt cóc trẻ em mục đích là tống tiền.
Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Thảo Vân, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Pascal (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, cách tốt nhất để an toàn cho học sinh, tránh để xảy ra những vụ bắt cóc tương tự đó là nhà trường cần triển khai về các lớp học trang bị cho học sinh kỹ năng sống về phòng tránh bắt cóc.
Buổi học trang bị cho học sinh kỹ năng sống về phòng tránh bắt cóc cho trẻ Trường Tiểu học – THCS Pascal. |
Theo cô giáo Vân, giai đoạn của khủng hoảng kinh tế, khó khăn về tài chính thường luôn dẫn đến sự bùng phát các dạng tội phạm, nổi cộm gần đây là bắt cóc, tống tiền. Vì thế, chúng ta phải ý thức được về nguy cơ để có biện pháp tăng cường giám sát.
Trao đổi sâu hơn, cô giáo Vân cho biết, cha mẹ cần hướng dẫn con nhận diện vấn đề, khi có người lôi kéo, dụ dỗ, bắt ép trẻ cần phải hét lên, gây chú ý cho người khác hoặc thể hiện chống cự theo cách thức cụ thể.
Mặt khác, cha mẹ cũng cần dạy con trẻ bình tĩnh để tìm cơ hội thoát ra, nhờ sự giúp đỡ của người lớn khác. Muốn làm được điều này, bản thân bố mẹ rất cần có kiến thức và kỹ năng để giáo dục con.
Đưa ra những lời khuyên liên quan đến vấn đề này, Trung tá Vũ Văn Ba, Trưởng Công an phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, bất kỳ bố mẹ nào cũng không thể giám sát con mình 24/24. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải huy động sức mạnh cộng đồng, mọi người cùng chung tay có trách nhiệm.
Trung tá Vũ Văn Ba đưa ra giải pháp về việc xây dựng hệ thống các liên gia canh gác chăm sóc trẻ, tức là các khu dân cư đều cần những người có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Gia đình này bận thì sẽ có gia đình khác chăm sóc trẻ.
Đặc biệt, điều quan trọng là người dân phải được tuyên truyền, phổ biến về mặt pháp luật, pháp lý để biết và hành động bảo vệ trẻ em, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật.