Cầu dân sinh vùng cao: Những cái bẫy chết người đang rình rập người dân
Dân mong có cây cầu qua khu sản xuất
Hàng ngày, hơn 50 hộ với 200 khẩu thuộc làng Hde (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) đang phải “liều mình” đi qua con cầu được làm bằng những tấm ván cũ để vào khu sản xuất. Những lúc lũ về, dân phải qua suối bằng nhưng chiếc thuyền nhỏ, mỏng manh.
Đặc biệt, cách đây hơn 3 tháng đã có người phải “bỏ mạng” trên dòng suối Đak Roong này.
Cây cầu dân sinh làng Hde như một cái bẫy cho người dân khi qua lại |
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Đăk Tơ Ver cho biết: “Làng Hde sống tách biệt trên một quả đồi, cách xa làng khác. Trước đây người dân sống ở khu vực lòng hồ nhưng sau được tái định cư lên ở đó. Hàng ngày, để đi được vào khu sản xuất thì bà con phải vượt qua một chiếc cầu tạm rất nguy hiểm.
Những lúc lũ đột ngột, bà con thường dùng thuyền để qua lại. Nhận thấy nguy hiểm nên chính quyền cũng thường xuyên túc trực để ngăn cản bà con không được qua sông…
Khoảng hơn 1 tháng trước, vì nước cao, một số người dân đã trèo đi hái lá chuối bên kia núi. Lúc đó, một chiếc thuyền nhỏ chở ông Trần Công Quyền (1985, Phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum) và một người phụ nữ. Khi đi tới giữa dòng nước lớn đang chảy xiết, chiếc thuyền đã bị lật. Hậu quả, ông Quyền bị nước cuốn tử vong. Giờ đây, người dân trong làng đều mong mỏi có một chiếc cầu để đi lại cho an toàn, vận chuyển hàng nông sản.
"Tuy nhiên, hiện nay huyện, xã vẫn chưa có phương án để làm cầu vì mới đầu tư một cây cầu khác trong xã. Hàng ngày, có cả 100 lượt người qua lại trên chiếc cầu này nên chính quyền xã cũng rất lo, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần…", vị lãnh đạo này cho biết.
Đã có một người tử vong khi qua con sông này. Nhưng vì nương rẫy bên kia sông nên bà con đều phải liều mình qua sông hàng ngày |
Khoảng 6h sáng, bà con làng Hde lại “rồng rắn” qua suối để vào khu sản xuất. Mỗi người qua cầu đều nơm nướp lo sợ những tấm ván mục bị gãy, sợ cây khô rơi xuống, sợ con suối dữ dưới chân có thể “nuốt chững” mình bất cứ lúc nào. Nhưng vì miếng cơm, củ mì, cây lúa rẫy đang ở bên khu sản xuất nên bà con phải “liều mình”, băng suối.
Cây cầu dân sinh làng Hde đang xuống cấp nghiêm trọng |
Anh Siu Hương (Làng Hde) đang đìu đứa con trai vượt suối. Tiếng khóc “khát sữa” của cậu con trai đã khiến ông bố trẻ ôm đứa con băng suối rồi vượt quả đồi để đi tìm mẹ.
Siu Hương bộc bạch: “Nhà mình có 5 người con nên vợ chồng phải chia nhau ra đi làm. Vợ lên rẫy trồng cây mì, cây lúa còn tôi ở nhà phụ với trai làng xây nhà. Đang làm thì con trai khóc vì khát sữa mẹ, nên tôi phải bế cháu vượt qua suối sang khu sản xuất cho con bú…Vì cầu yếu nên tôi phải để xe bên suối rồi đi bộ qua một quả đồi mới tới được nơi mẹ nó làm”.
Cầu xuống cấp, dân lập “trạm BOT” để thu phí sửa cầu
Nhiều năm nay, gần 1.000 hộ dân thuộc 4 buôn: Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok, Tơ Nia (xã Chư Gu, Krông Pa, Gia Lai) mỗi lần qua lại cây cầu tạm đều phải đóng phí 5.000 đồng/xe máy.
Nhiều người có việc phải qua lại nhiều lần thì có thể phải trả hàng chục ngàn đồng/ngày. Cũng từ đây mà 2-3 “trạm BOT” tại xã nghèo này được hình thành và là nguồn thu chính để sữa chữa cầu hàng năm.
Trạm "BOT" xã nghèo trên huyện Krông Pa (Gia Lai) |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyên (Chủ tịch UBND xã Chư Gu) thông tin: “Từ xưa, xã Chư Gu và xã Chư Drăng bên kia sông Ba đều là một xã. Sau khi tách và hình thành xã Chư Gu, bà con đồng bào đã sang và tái định cư bên này sông Ba.
Tuy sống trên đất xã Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đề qua sông Ba để canh tác, làm ăn. Ngày xưa, mùa nước lớn thì người dân qua lại bằng thuyền, phà, mùa nước nhỏ thì lội qua sông.
Nhưng vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản nên hàng chục hộ dân thuộc 4 buôn đã bỏ tiền và công sức ra để dựng nên 3 cây cầu bắc qua sông Ba nhằm phục vụ cho người dân có thể đi xe máy qua lại. Phí mỗi lượt đi qua là 5.000 đồng/lượt/xe máy…”.
Mỗi mùa mưa lũ, nước thường cuốn trôi cầu khiến người dân rất mất công sức để sửa chữa. Hiện nay, một câu cầy đã bị hư không sử dụng được, còn 2 cây cầu còn lại người dân vẫn lập ra 2 trạm thu phí của người dân qua lại. Mỗi ngày có cả hàng trăm lượt qua lại.
"Việc này xã đã báo cáo với huyện từ năm 2016 và đã có nhiều đoàn từ Sở và huyện kiểm tra. Biết việc thu tiền tự phát của dân là sai quy định nhưng xã cũng không thể ngăn chặn được vì ảnh hưởng đến quyền lợi của dân…”, ông Tuyên cho biết thêm.
Cây cầu đang xuống cấp nhiêm trọng, nhiều tấm ván, trụ cầu được làm tạm bợ bằng gỗ |
Theo quan sát, nếu không có nhưng cây cầu tạm của dân xây dựng thì bà con phải đi lại ngã 3 xã Chư Rcăm và theo tuyến đường Đông Trường Sơn để qua xã Chư Drăng với quãng đường dài gấp 10 lần. Ngoài ra, con đường đến Thị trấn Phú Túc và qua cầu Phú Cần cũng tương tự như quãng đường trên. Chính vì vậy, hàng ngày, người dân nghèo xã Chư Gu và các xã lân cận đều phải bỏ tiền cho “trạm BOT” thì mới được qua cầu đi làm.
Trưởng thôn Ma Rok, ông Rah Lan Nhoan nói: “Từ xưa nay, đất canh tác của bà con đều ở bên sông Ba. Sau nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng cũng không có cầu bê tông để đi nên dân đã góp tiền làm cầu tạm chở củ mì, củ sắn qua sông. Như tôi làm trưởng thôn thường phải đi rẫy, đi vận động bà con trong rẫy nên đi qua lại cầu nhiều và cũng mất hàng chục ngàn/ngày. Giờ người ta làm cầu thì mình có cái để đi xe máy, ko phải đi bộ lên nương. Chính vì vậy, minh thấy việc đóng phí này cũng đúng và chờ ngày làm cây cầu bê tông kiên cố”.
“Nhiều lần trong các cuộc họp các cấp, người dân đều mong muốn có một cây cầu để đi lại lên khu sản xuất và canh tác. Nhiều đoàn từ các sở, huyện xuống khảo sát nhưng đến giờ dân cũng chưa có cầu đi…”, ông Nhoan bộc bạch.
Mỗi người dân qua cầu phải đóng 5.000 đồng để phục vụ vào chi phí sửa chữa cây cầu |
Bà Nay Ngin (Thôn Ma Rok, một trong những hộ bỏ tiền làm cầu) cho biết: “Cầu này được xây dựng từ năm 2016, mỗi năm rất nhiều lần sửa chữa. Riêng cầu buôn Ma Rok đã có 28 hộ chung nhau mua ván và gỗ để xây cầu.
Mỗi ngày có 4 hộ chung nhau đứng ở cầu để thu phí người dân qua cầu…Nếu bình thường mỗi ngày thu cũng được khoảng từ 1 – 1,5 triệu đồng, số tiền này chia cho 4 người trực và những hộ này phải bỏ tiền ra để sửa chữa cầu”.
Theo quan sát của phóng viên, những cây cầu tạm được người dân ghép lại bằng những tấm ván và cây bời lời. Cây cầu dài hơn 1km nhưng rất nhiều tấm ván đã gãy đôi, chân cầu hai bên cũng bị sạt lở và cầu được làm một cách tạm bợ…Xe máy đi trên cầu có cảm giác rung mạnh, nếu không để ý thì bánh xe lọt giữa những tấm ván bị gãy.