Cảnh sát biển Việt Nam thi đua bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển

Thấu triệt tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam không ngừng đẩy mạnh phong trào Thi đua quyết thắng, tạo động lực tinh thần to lớn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, giữ vững bình yên trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; Có nhiệm vụ chính trị trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; Bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

Đây là nhiệm vụ đặc thù, độ nguy hiểm cao, thực hiện dài ngày, liên tục trên các vùng biển xa, phạm vi không gian rộng, trong điều kiện môi trường sóng gió khắc nghiệt, biến động bất thường,... trong khi đó, lực lượng, phương tiện và các mặt bảo đảm của Cảnh sát biển còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp; trong đó, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh phát động, triển khai phong trào Thi đua Quyết thắng là biện pháp quan trọng hàng đầu.

Bám sát chủ trương đó, hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát động nhiều phong trào thi đua đột kích, thi đua cao điểm, như: “Thanh niên Cảnh sát biển xung kích làm chủ biển, đảo của Tổ quốc”; “Cảnh sát biển Việt Nam huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, an toàn tuyệt đối”; “Tuổi trẻ Cảnh sát biển rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”… tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, khơi dậy tinh thần hăng say huấn luyện, ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống tội phạm của cán bộ, chiến sĩ.

Trước diễn biến phức tạp của khu vực và Biển Đông, các đơn vị Cảnh sát biển luôn nêu cao truyền thống “Kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, thi đua nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu; Xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm cho 100% cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên các vùng biển xa trong mọi điều kiện thời tiết.

Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đi đầu, xung kích đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm trên biển; Nhiều tấm gương dũng cảm, sẵn sàng lao vào sóng gió, hiểm nguy tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân; Làm điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã điều động, sử dụng hơn 900 lượt/chiếc tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trên biển, đi được hơn 200.000 hải lý an toàn; Phát hiện, tuyên truyền, xua đuổi 2.078 lượt tàu nước ngoài vi phạm; Lập biên bản, điểm chỉ hải đồ, phóng thích ngay trên biển 55 tàu. Phối hợp với các lực lượng theo dõi, giám sát chặt chẽ nhiều tàu, giàn khoan nước ngoài đi qua vùng biển Việt Nam; Ngăn chặn hàng chục tàu xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển; Bảo vệ Khu kinh tế - quốc phòng Trường Sa; Ngăn chặn hiệu quả việc khai thác hải sản không khai báo và không theo quy định (IUU); Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo bằng pháp luật và biện pháp hòa bình, không để bị động, bất ngờ... góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cho các vùng biển chủ quyền và bảo vệ tốt các hoạt động kinh tế biển; Tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, nhất là khai thác dầu khí, hải sản.

Tuyên truyền phòng, chống IUU cho ngư dân
Tuyên truyền phòng, chống IUU cho ngư dân

Hiện nay, trên các vùng biển của Tổ quốc xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Trong bối cảnh đó, việc thực thi pháp luật, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của lực lượng Cảnh sát biển sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp, điều đó đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố.

Trong đó, việc đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy khát vọng cống hiến, động viên cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển vượt khó, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và phong trào Thi đua Quyết thắng. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 507-CT/QUTW, ngày 28/7/2014 của Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, lực lượng Cảnh sát biển tiếp tục đổi mới công tác thi đua và tổ chức phong trào thi đua theo hướng thực chất, vững chắc. Hướng mạnh vào thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống” của Lực lượng Cảnh sát biển.

Trong đó, triển khai phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp trên các mặt hoạt động, công tác với nội dung, chỉ tiêu bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tạo thành phong trào hành động tích cực, tự giác, đúng mục tiêu của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, kết hợp tốt thi đua với khen thưởng, lồng ghép chặt chẽ phong trào thi đua của Cảnh sát biển với nội dung, chỉ tiêu các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của các cấp, các ngành, tổ chức quần chúng Quân đội, các ban, bộ, ngành Trung ương.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn, duy trì nghiêm nền nếp hoạt động và phát huy tốt vai trò trách nhiệm của hội đồng, tổ thi đua - khen thưởng các cấp. Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất của cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và tiềm năng, thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa công tác thi đua phát triển toàn diện, có chiều sâu và làm cho phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức phong trào thi đua hướng đến hiệu quả, thực chất, phát triển liên tục, vững chắc. Bám sát chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy, chỉ huy, hội đồng, tổ thi đua - khen thưởng các cấp cần linh hoạt, sáng tạo cụ thể hóa thành chủ trương, biện pháp trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, nhằm đưa phong trào thi đua đi vào chiều sâu, phù hợp với từng loại hình đơn vị, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

Các cơ quan, đơn vị chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy truyền thống Thi đua yêu nước; Hướng thi đua vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm; Phát triển các phong trào thi đua cả về bề rộng và chiều sâu với phương pháp, hình thức tổ chức, phát động hấp dẫn, dễ tiếp nhận, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp để từng tập thể, cá nhân phấn đấu thực hiện. Đồng thời, phát huy hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua vào giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, việc khó, làm chuyển biến toàn diện tình hình cơ quan, đơn vị. Hướng tới nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tổng hợp, của từng cơ quan, đơn vị và toàn lực lượng.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện phong trào thi đua. Tích cực quán triệt, tuyên truyền về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác thi đua và phong trào thi đua; Làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc rằng, thi đua là biện pháp quan trọng hàng đầu để mỗi quân nhân tiến bộ, trưởng thành.

Tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững chủ đề, nội dung thi đua, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn để mọi cán bộ, chiến sĩ có ý thức, trách nhiệm cao, hành động tự giác; Góp phần đưa phong trào thi đua thực sự trở thành phong trào hành động theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động thi đua và kết quả phong trào thi đua của toàn lực lượng để lan tỏa tinh thần thi đua, tạo hiệu ứng tích cực và sự khích lệ sâu rộng trong toàn quân cũng như toàn xã hội.

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng và khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, xuất sắc. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm phát hiện, nuôi dưỡng những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo, có sức thuyết phục để lôi cuốn tập thể, cá nhân trong lực lượng học tập, làm theo và tạo nòng cốt thúc đẩy phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình thi đua, khen thưởng, đảm bảo dân chủ, khách quan, thực chất, đúng người, đúng việc; đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời những nhân tố mới, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời, gắn chặt thi đua với khen thưởng; Lấy thi đua là cơ sở, căn cứ, tiêu chí của khen thưởng; khen thưởng là điều kiện, là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua.

Coi trọng khen thưởng từng mặt, khen thưởng đột xuất; quan tâm làm tốt việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, trong điều kiện khó khăn, gian khổ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp, chỉ tiêu thi đua cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kịp thời phát hiện, khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm trong công tác thi đua, khen thưởng; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức lệch lạc và hành động không đúng làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua chung của lực lượng; Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa phong trào thi đua phát triển đồng đều, vững chắc.

Kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống (28/8/1998 - 28/8/2023), Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam triển khai các hoạt động thi đua, khen thưởng và nhiều phong trào thi đua lớn, có ý nghĩa thiết thực.

Đây là những hoạt động rất quan trọng để toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng tích cực hưởng ứng, thi đua sôi nổi, cống hiến nhiều hơn nữa sức lực, trí tuệ và tài năng, lập nên những thành tích và chiến công mới, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, ngang tầm nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên biển, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng TRẦN VĂN XUÂN, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

__________________

1 - Khoản 2, Điều 8, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.

2 - Gồm: chính trị, tư tưởng tốt; Chuyên môn nghiệp vụ tốt; Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; Nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật tốt. Không đánh cờ, bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay nợ tài sản không có khả năng chi trả; Không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; Không sử dụng rượu, bia sai quy định; Không hút thuốc lá nơi làm việc, địa điểm công cộng. Chống can thiệp; Chống tiếp tay; Chống bao che; Chống làm ngơ.

Phiên bản di động