|
Các hố sâu thăm thẳm chưa được khôi phục môi trường ở xã Hòa Nhơn |
Sáng 3/8, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô trở lại khu vực chuỗi 12 mỏ đá nằm ven đồi núi xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) -za nơi mà trước đây, tình trạng khai thác tài nguyên đất đá rầm rộ khiến người dân xung quanh chỉ còn cách đóng cửa, kêu trời vì tiếng ồn và bụi bặm bủa vây suốt cả thập kỷ.
Khung cảnh hàng ngàn xe tải, xe ben lũ lượt kéo vào các tuyến đường công vụ bắt đầu từ đầu tuyến Quốc lộ 14B rẽ vào cạnh Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang rồi phóng lên các mỏ đất đá mà người dân quen gọi là các “hố”, các “xứ đồng”,… nay đã không còn.
Thay vào đó, khi đi sâu vào các điểm khai thác đã bị đóng cửa hơn 1 năm nay, phóng viên chứng kiến cảnh hoang tàn khi những quả đồi đã bị bóc trụi lủi.
Cảnh tượng trọc lóc ở phần đất mặt của quả đồi hiện rõ ra trước mắt phóng viên, cạnh đó là những hố sâu ngập đầy bùn sau những trận mưa giông trút xuống vào đầu tháng 8.
|
Đất sản xuất của người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn bị bồi lấp từ những năm 2008, 2009 |
Dẫn chúng tôi ra phần đất ruộng nằm sát tuyến đường công vụ dẫn vào mỏ đất của Công ty Vạn Tường đã đóng cửa mỏ, bà T.T.H (ngụ thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn) chỉ biết lắc đầu ngao ngán rồi kể: “Cỏ mọc cao tới cổ nhưng trâu bò của bà con không xuống được để gặm vì không có lối. Chỗ diện tích ruộng này rộng cả 4 hecta bị bồi lấp từ những năm 2008, 2009 kia. Dân chúng tôi không còn mặn mà nên đành bỏ trồng lúa vì có trồng thì nước thủy lợi không thể về được do đã bị chặn tứ phía”.
Theo bà H, giờ đây, phần đông người dân quanh thôn chỉ bám trụ vào nghề trồng cây keo lá tràm ven triền đồi. Nhưng giá gỗ keo xuống thấp khiến cuộc sống bà con đã bấp bênh, nay càng bấp bênh hơn vì thu nhập quá ít ỏi, trong khi diện tích đất đồi ngày càng bị thu hẹp và bị sạt lở.
Tìm được ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, phóng viên được biết khi có đến gần 20 % hộ dân trong thôn là hộ nghèo.
“Tình trạng đất đồi bị bóc sạch để làm dự án đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Màu xanh của thôn trước đây đã biến mất. Giờ đây, người dân chỉ thấy tòan là đồi trọc, hố sâu thăm thẳm. Quanh thôn đã có hơn 20 hecta đất nông nghiệp bị bồi lấp khiến người dân không còn sản xuất như trước kia. Số hộ nghèo trong thôn giờ lại có xu hướng tăng vì không còn kế sinh nhai” – ông Tuân than thở.
|
Đường công vụ dẫn vào các mỏ đất đá còn khai thác ở xã Hòa Nhơn |
Thông tin từ UBND xã Hòa Nhơn xác nhận: “Theo đề án đóng cửa mỏ của thành phố, địa bàn Hòa Nhơn có đến 7 mỏ được yêu cầu đóng cửa và tiến hành phục hồi môi trường. Kể từ năm 2010 đến nay, có khoảng hơn 12 mỏ đá thuộc quản lý khai thác của các đơn vị tại khu vực thôn Thạch Nham Đông, Phước Thuận, các hố và xứ đồng gây bồi lấp hơn 50 hecta sau khi đưa vào khai thác rầm rộ”.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 30 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực và đang lập thủ tục gia hạn khai thác. 33 mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác nhưng đã hết hiệu lực. 24 mỏ đang tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ đã được UBND TP phê duyệt.
|
Đất đồi bị sạt lở sau mưa tại các điểm khai thác đã đóng cửa mỏ |
Ngoài ra, 4 mỏ do không được lập hồ sơ đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường nên UBND TP đã có văn bản giao UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực để cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định
Đối với 5 đơn vị chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ và chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ, UBND TP đã xử phạt Công ty CP Focosev 100 triệu đồng vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ đá Phước Thuận 3, Hòa Nhơn.
Ngoài ra, Thanh tra Sở đã làm việc với Công ty Thạch Toàn vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung đề án đóng cửa mỏ đá Hố Sanh, xã Hòa Nhơn. UBND TP cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty CP An Tâm và Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh 120 triệu đồng mỗi doanh nghiệp vì chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ đất đồi thôn Sơn Phước, Hòa Ninh và thôn Phước Thuận.
|
Đường dẫn vào các mỏ đất đá bị bóc trọc lóc - nơi trước đây là phần đất đồi xanh tốt |
|
Hố sâu đầy nước và bùn sau những trận mưa giông |
|
Một quả đồi bị khai thác và chỉ còn trơ lại phần đá ở giữa |
|
Hố sâu dang dở sau khi được múc đi phần đá |
|
Đường dẫ vào mỏ đá của Công ty Vạn Tường đã đóng cửa mỏ đầy đá dăm |
|
Một hố sâu hơn 20 m đã được đóng cửa mỏ hơn 1 năm nay nhưng chưa được hoàn thổ |
|
Tình trạng trượt đá tại khu vực mỏ đã đóng cửa thường xuyên xảy ra sau mưa |
|
Mỏ đất đá nằm phía sau Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang trở nên trơ trọi vì chưa được hoàn thổ hơn 3 năm nay |
|
Cảnh tượng trọc lóc ở phần đất mặt của quả đồi hiện rõ ra trước mắt phóng viên |
|
Hố sâu trở thành các hồ ngập nước cạnh nhà dân tại thôn Phước Thuận |
|
Điều cay đắng mà người dân nhận được sau khi hàng triệu m3 đất đá được bóc lên để phục vụ các dự án ở Đà Nẵng là đất đai bị bồi lấp, đồi núi thì hoang tàn |
|
Một quả đồi đang đổi sang màu vàng vì bị hoang hóa |
|
Kể từ năm 2010 đến nay, có khoảng hơn 12 mỏ đá thuộc quản lý khai thác của các đơn vị tại khu vực thôn Thạch Nham Đông, Phước Thuận, các hố và xứ đồng (xã Hòa Nhơn )gây bồi lấp hơn 50 hecta đất sản xuất của dân sau khi đưa vào khai thác rầm rộ |
|
Diện tích đất đồi trồng cây keo lá tràm của người dân ngày càng bị thu hẹp |
|
Theo Sở Tài nguyên và môi trường, 33 mỏ khoáng sản trên địa bàn tuy có giấy phép khai thác nhưng đã hết hiệu lực |
|
Các mỏ sau khi đóng cửa trở thành các điểm tập kết đá tảng |