Cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân như là một luồng gió thổi cho "cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa".
Sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân Cần chính sách đột phá, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp tư nhân

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đánh giá Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là bước đột phá, đổi mới tích cực và tiến bộ còn tạo động lực thúc đẩy khơi thông nguồn lực nội sinh đầy tiềm năng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ông kỳ vọng rằng, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân như là một luồng gió thổi cho "cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa".

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, cử tri, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Ngay trong kỳ họp này Quốc hội đã thảo luận và sẽ thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình.

“Qua nghiên cứu, tôi cơ bản đồng tình, nhất trí cao. Dự thảo Nghị quyết đã quán triệt yêu cầu đổi mới tư duy nhận thức về tư duy nhận thức về kinh tế tư nhân có các quy định cụ thể về cơ chế, chính sách mang tính đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân. Đó thực sự là những quy định mang tính cởi trói được cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong đợi”, đại biểu chia sẻ.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã hết sức trách nhiệm, tham gia phát biểu tâm huyết với nhiều nội dung có tính chất thực tiễn cao tại phiên họp thảo luận ở tổ cũng như tại Phiên họp ở hội trường ngày hôm nay.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng xin tiếp thu tối đa những ý kiến mà các đại biểu đã phát biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất. Ông cũng báo cáo làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ nhất, về việc rà soát đối tượng điều chỉnh để đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tương thích với điều ước quốc tế, để đảm bảo phù hợp với Điều 51 của Hiến pháp 2013 về không phân biệt các thành phần kinh tế, bảo đảm tương thích với những điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên, tránh vi phạm nguyên tắc về đối xử quốc gia và cam kết về mua sắm công theo các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang rất quan tâm tới vấn đề cân bằng thương mại, đầu tư quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã quy định các cơ chế, chính sách được áp dụng chung đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đối với một số đối tượng cụ thể trong một số lĩnh vực như doanh nghiệp vừa nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... thì cần có chính sách đặc thù riêng và sẽ được quy định cụ thể tại các điều khoản tương thích của dự thảo Nghị quyết.

Thứ hai, về việc rà soát một số cơ chế, chính sách tại dự thảo nghị quyết trong mối quan hệ với một số luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này.

Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận xử lý các vi phạm, vụ việc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết phá sản... thì dự thảo Nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu Nghị quyết 68 của Trung ương.

Thứ ba, về bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện nghị quyết. Đối với các chính sách hỗ trợ được phân cấp, phân quyền cho địa phương như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất, hỗ trợ thuê nhà, đất, tài sản, dự thảo nghị quyết đã giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực để quyết định các định mức, tiêu chí hỗ trợ bảo đảm minh bạch, khả thi, hiệu quả và gắn với trách nhiệm.

Đối với các chương trình được nêu tại dự thảo Nghị quyết, nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình này sẽ được đánh giá trong quá trình xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai các chương trình khả thi, hiệu quả khi triển khai các chương trình này.

Các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu cho ngắn hạn, nhưng về dài hạn các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh. Qua đó góp phần đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ và phiên thảo luận toàn thể sáng 16/5 của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo nghị quyết có tính thực tiễn, khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Hậu Lộc
Phiên bản di động