Cảnh báo mạo danh lực lượng Quản lý thị trường để “vòi tiền”
Ông Trần Hùng làm Tổ trưởng Tổ công tác về Quản lý thị trường |
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những cuộc điện thoại gọi đến hoặc liên hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự xưng danh là công chức Quản lý thị trường để thông báo kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển tiền bồi dưỡng thông qua các số tài khoản ngân hàng, nếu chuyển tiền thì đoàn kiểm tra xem xét bỏ ngoài danh sách không kiểm tra.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), việc mạo danh, giả danh nêu trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa công chức Quản lý thị trường nhằm để trục lợi cá nhân, lừa đảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Tổng cục QLTT. |
Hành vi này gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cơ quan Quản lý thị trường. Các hành vi trái pháp luật này có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cần phải được ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và uy tín của lực lượng Quản lý thị trường cũng như đảm bảo an ninh trật tự, nếu phát hiện các cá nhân mạo danh, giả danh công chức Quản lý thị trường để thông báo kiểm tra và đòi tiền bồi dưỡng, đề nghị các cá nhân, tổ chức kịp thời phản ánh ngay qua đường dây nóng của Tổng cục QLTT (1900.888.655), Cục Quản lý thị trường địa phương hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, theo quy định tại khoản 1, điều 20 Pháp lệnh QLTT, Cục Quản lý thị trường sẽ gửi kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi kiểm tra, và niêm yết công khai kế hoạch tại trụ sở cơ quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 33.154 vụ vi phạm (trong đó có 12.252 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 10.552 vụ gian lận thương mại; 10.350 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả); thu ngân sách Nhà nước ước đạt 145,4 tỷ đồng (trong đó: phạt vi phạm hành chính 115,1 tỷ đồng; bán hàng tịch thu 30,3 tỷ đồng).