Cần công cụ pháp lý để công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng thành hiện thực

Năm 2024, quận Ba Đình sẽ phối hợp với các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên triển khai đề án “Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng”. Điều này sẽ tạo thêm không gian xanh cho Thủ đô. Tuy vậy, để dự án trên thành hiện thực, theo các chuyên gia, rất cần thêm công cụ pháp lý để triển khai.
Tìm ý tưởng quy hoạch công viên tại bãi giữa sông Hồng Năm 2024 sẽ triển khai đề án Công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng “Trị thủy” ra sao để “biến” Bãi Giữa thành công viên?

Di sản đô thị Hà Nội

Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa giới quản lý của nhiều phường bao gồm Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Phúc Xá (quận Ba Đình), Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Diện tích bãi giữa sông Hồng khoảng 328ha và bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) khoảng 63,2ha. Đây chính là nguồn lực đầy tiềm năng để tạo dựng một không gian sinh thái và văn hóa hấp dẫn cho cộng đồng cũng như khách du lịch. Nơi này sẽ mang đến cho người dân và du khách một không gian mở nhìn ra sông, tích tụ nhiều tầng văn hóa, kết nối cộng đồng với thiên nhiên.

Công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng tạo không gian xanh  cho Thủ đô
Ảnh minh họa

Cũng do lợi thế nằm trong khu vực đậm đặc văn hóa, không gian sinh thái và văn hóa bãi giữa và bãi ven sông Hồng có thể kết nối đồng bộ với không gian văn hóa khu vực phố cổ, phố cũ quận Hoàn Kiếm, phố cũ quận Ba Đình và các làng trồng hoa quận Tây Hồ, Long Biên. Không chỉ khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, việc hình thành không gian sinh thái và văn hóa bãi giữa, bãi ven sông Hồng còn góp phần tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc truyền thống.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có định hướng thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Trong Quy hoạch có bao gồm hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và bổ sung thêm loại hình giao thông đường thủy cho Hà Nội.

Đồng thời, Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2022, đã định hướng khu vực bãi giữa và bãi ven sông, ngoài các chức năng sử dụng chính như cây xanh cách ly, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, còn được định hướng có chức năng đất cây xanh đô thị, cây xanh chuyên đề…

Theo TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh, nhắc đến không gian bãi giữa sông Hồng, không thể quên một di sản đô thị của Hà Nội đó là cầu Long Biên, một công trình đặc biệt, kết cấu thép đặc biệt và một kết nối có giá trị đặc biệt qua sông Hồng, kết nối với không gian xanh Bãi Giữa sông Hồng. Hai yếu tố này là hai thành phần cấu trúc không chỉ là điểm nhấn cảnh quan mà còn là sự kết nối văn hóa, lịch sử, là nhân chứng lẫn nhau về sự biến đổi qua thời gian. Bởi thế, tương lai của Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng gắn với tương lai của cầu Long Biên, hai cấu trúc này không thể và không nên tách rời bởi dấu ấn của thời gian, lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là công cụ pháp lý quan trọng

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Một trong những nội dung quan trọng của Kết luận số 80-KL/TƯ, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch.

Theo TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh, Luật Di sản Văn hóa (2012) hiện chưa có khái niệm về “di sản đô thị”, do vậy về mặt pháp lý các công trình tuy có thể có các giá trị được cộng đồng xã hội, mang tính đại diện cho hình ảnh, ký ức của đô thị nhưng chưa được xếp hạng di tích có thể bị phá bỏ, hủy hoại theo nhiều cách khác nhau. Làm thế nào để bảo vệ di sản đô thị, hài hòa xung đột giữa bảo tồn và phát triển được coi là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của chính quyền đô thị, các nhà quản lý và ban hành chính sách.

Công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng tạo không gian xanh  cho Thủ đô

Cầu Long Biên được coi là di sản đô thị của Hà Nội

KTS Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, sự thiếu vắng công cụ pháp lý sẽ tạo ra những khó khăn trong việc khẳng định các giá trị quan trọng, lâu dài và là các điểm nhấn cảnh quan đặc biệt của thành phố Hà Nội và quốc gia, cũng như hình ảnh thành phố xanh, sáng tạo với quốc tế. Cấu trúc của 2 không gian và công trình kiến trúc cầu Long Biên nếu được coi là di sản đô thị, có thể áp dụng một số các chính sách ưu đãi trong gìn giữ và bảo tồn dựa trên huy động được các nguồn lực xã hội thông qua chương trình chuyển quyền phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là công cụ pháp lý quan trọng, trong đó cho phép Thủ đô thực hiện những cơ chế chính sách riêng nhằm thực hiện các định hướng phát triển mang đặc thù của Thủ đô, các cơ chế chính sách ưu đãi trong cải tạo tái thiết đô thị...

Thái Sơn
Phiên bản di động