Cần có biện pháp phát hiện, xử lý từ sớm dấu hiệu bất ổn hệ thống ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chủ trương cơ cấu lại SCB Nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn đói vốn |
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nêu một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu tác động để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo luật.
Quang cảnh phiên họp. |
Ông Thanh đánh giá, đây là dự án luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, có tác động lớn đến nhiều đối tượng và cả kinh tế vĩ mô của đất nước. Do đó, việc rà soát, tiếp thu, chỉnh lý đã được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ thì quy định nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mang tính chuyên môn cao và rất khó, do đó, cần cho ý kiến thật kỹ lưỡng để các nội dung của dự thảo luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần bổ sung các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường trách nhiệm của người quản lý, người điều hành, cổ đông của tổ chức tín dụng; phát hiện và xử lý từ sớm, từ xa các dấu hiệu bất ổn hệ thống.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng cần phải quy định rõ hơn một số hoạt động như cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, không qua tài khoản, chiết khấu; làm rõ về hoạt động ngân hàng đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc mở rộng quy định người có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo; luật hoá các quy định đã thực hiện ổn định và được kiểm nghiệm trong thực tiễn đối với hoạt động của ngân hàng chính sách; nghiên cứu bổ sung quy định về tập đoàn tài chính…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ, nhất là các chính sách mới và bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Hải đề nghị hoàn thiện một chương quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo để bảo đảm minh bạch, hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng; nghiên cứu luật hóa tối đa các quy định về dự thu, về lãi, doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ để đảm bảo phản ánh đúng thực trạng tài chính của các tổ chức tín dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng để quy định khả thi, kiểm soát rủi ro nhưng bảo đảm quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tốc độ thông tin trong thời đại kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ, khắc phục bất cập trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian qua...