Nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn đói vốn

Một nghịch lý và cũng là "căn bệnh" khiến các cơ quan điều hành đau đầu là chuyện doanh nghiệp thì cần vay vốn, nhưng ngân hàng lại không cho vay được...
Chính phủ yêu cầu báo cáo việc xử lý Ngân hàng SCB, không để chậm trễ Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc xử lý ngân hàng yếu kém trong tháng 9 Hệ thống ngân hàng đang "chữa bệnh thừa tiền"

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính tới thời điểm hiện tại chỉ mới đạt 5,56%, so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái, điều này đặt ra thách thức rất lớn nếu muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra hồi đầu năm.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực trạng hiện nay doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, còn ngân hàng đang "tồn kho" tiền.

Nghịch lý xảy ra là danh nghiệp thì cần vay vốn, nhưng ngân hàng muốn mà cũng không cho vay được, điều đó làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng.

Ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa văn bản gửi lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các hiệp hội cùng Ngân hàng nhà nước chi nhánh, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng.

Nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn đói vốn
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Tú, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phải có sự đồng hành của nhiều phía, chứ bản thân các ngân hàng cũng khó có thể làm được.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cần tạo ra nguồn hấp thụ vốn mà muốn vậy thì phải có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, ít nhất là nếu không tiêu thụ được thì có lộ trình, cách thức nhằm tạm trữ được một thời gian, sau này bán được hàng hóa, thu hồi được nguồn tiền trả ngân hàng thì ngân hàng vẫn cho vay.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về cơ chế làm sao cho nhiều công trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, nhất là bất động sản tháo gỡ được khó khăn về mặt pháp lý để triển khai dự án, bởi ngân hàng chờ giải ngân nhưng dự án không đủ pháp lý thì không thể giải ngân được.

Cùng với đó, các cấp chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua các quan hệ ngoại giao, quan hệ sứ quán, hợp tác kinh tế. Đồng thời việc này giúp doanh nghiệp có đầu ra thị trường trong nước với 100 triệu dân.

Về phía ngân hàng, ông Tú cho rằng muốn tăng tín dụng cao hơn nữa thì các nhà băng phải chủ động.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước từng rất gay gắt, quyết liệt trong vấn đề hạ lãi suất nhưng nhiều ngân hàng thương mại còn lừng khừng không giảm, ngân hàng chưa thấy được giảm lãi suất là hỗ trợ quan hệ cộng sinh của mình và doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, hiện nay không ngân hàng nào dám không giảm lãi suất, bởi nếu không giảm thì không có doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng nữa".

Nguyên nhân là do quy định mới cho phép các doanh nghiệp vay ngân hàng này trả ngân hàng kia. Việc này không chỉ làm cho ngân hàng phải hạ lãi suất mà thủ tục cho vay cũng phải cắt bớt những thủ tục gây khó cho tiếp cận tín dụng.

Thời gian tới, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố phải tiếp tục theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là nơi đầu mối kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, nắm được những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện nay.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.

Phó Thống đốc cũng bày tỏ trong giai đoạn hiện nay, rất chia sẻ với những khó khăn với doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cũng phải tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực.

"Các doanh nghiệp cần minh bạch tài chính dòng tiền, phối hợp với tư tưởng đồng hành, chia sẻ, gắn bó, cởi mở, báo cáo trung thực tài chính với ngân hàng; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn", ông Tú nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động