Cần cân nhắc “bài toán” thu hẹp ao hồ tự nhiên và phát triển đô thị

Quá trình đô thị hóa đang khiến cho diện tích ao, hồ ở Thủ đô dần bị thu hẹp, làm mất đi những giá trị tự nhiên và giá trị phục vụ đời sống cộng đồng mà các ao, hồ mang lại. Do đó, việc đánh đổi tự nhiên để phát triển đô thị là một “bài toán” mà Hà Nội cần cân nhắc.
Hà Nội làm rõ thông tin điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu Hà Nội: Đơn giản hóa 4 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân

Những con số “báo động”

Trước đó, hàng loạt các hồ nước đã rơi vào "tầm ngắm", "biến" thành những dự án nghìn dân. Điển hình có thể kể đến hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31,6 nghìn mét vuông.

Hay một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3,6 nghìn mét vuông. Ngoài ra phải kể đến như: Hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam, hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm, Thanh Trì...

Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”.

Số diện tích mất đi này được xác định một phần do đô thị hóa kéo theo nhiều ao, hồ bị lấp, bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở một số địa phương dẫn đến tình trạng lấn hồ làm nhà ở, hàng quán, lối đi…

Hồi cuối năm 2021, gần 100 hộ dân thuộc tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã gửi đơn kêu cứu, phản đối và tha thiết xin giữ lại 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hồ Bà Đồ) có diện tích 12.000m2, đang bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 3/2022, một số đơn vị thuộc quận Long Biên đã lắp đặt máy bơm, huy động xe chuyên dụng, máy ủi để tiến hành hút nước và lấp hồ tạo mặt bằng. Sau khi các hộ dân phản ứng gay gắt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên đã quyết định tạm dừng việc san lấp hồ Bà Đồ để đối thoại với người dân.

Cần cân nhắc “bài toán” thu hẹp ao hồ tự nhiên và phát triển đô thị
Hồ Bà Đồ (Long Biên) bị san lấp

Hồ Ngòi Cầu Trại nằm trên địa bàn giáp ranh giữa quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, hiện nay một nửa hồ đã không còn nước. Hai nửa bị ngăn cách bởi một con đường đất và phế thải. Mặt hồ tiếp giáp khu dân cư khang trang dù có đường và kè vẫn bị lấn chiếm công khai. Mép kè cũ lùi xa mép nước từ 5 – 7 m, trên đó là hàng loạt quán nước vỉa hè, quán cà phê, chòi câu cá, tiệm rửa xe… thoải mái hoạt động. Phía hồ cạn nước, tình trạng lấn chiếm còn khủng khiếp hơn. Hàng chục căn nhà cấp bốn có cả công trình phụ phủ kín phía ngoài, lòng hồ bị xẻ lô trồng rau và đổ phế thải.

Hay như Dự án cải tạo hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) đã có từ lâu, một số đoạn đã có cắm cọc, thực hiện cải tạo nhưng nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ. Tình trạng xâm lấn hồ vẫn diễn ra, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ở ngoại thành Hà Nội, ngay sát khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi mà người dân địa phương gọi là ao Kim Âu cũng đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi bản đồ do hoạt động đổ thải, san lấp trái phép.

Cần bảo tồn những giá trị thiên nhiên

TS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho biết, sự phát triển của TP Hà Nội, trong đó do thiếu một quy hoạch tổng thể, đã khiến cho diện tích ao hồ bị thu hẹp. Tuy nhiên, kẻ thù chính lại do sự buông lỏng quản lý ở cấp địa phương khiến nhiều diện tích ao hồ bị lấn chiếm, thành nhà ở hoặc thành dự án. Câu chuyện đổ rác ra ao hồ, rồi lâu lâu thành đất, thành nhà đã phổ biến nhiều năm. Bây giờ đã có quy hoạch tổng thể diện tích ao hồ, song số diện tích mất đi là không thể lấy lại.

Cần cân nhắc “bài toán” thu hẹp ao hồ tự nhiên và phát triển đô thị
Người dân tập thể dục ven đường Hồ Tây

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam nhận định, ao hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố. Với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là “lá phổi xanh” như chúng ta mong muốn.

Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ. Đô thị hóa cũng như sự đổ bộ của bê tông đã lấy đi rất nhiều thứ của hồ nước, ở cả khía cạnh tự nhiên lẫn cảm xúc, văn hóa.

Hồ nước được ví như trái tim của Hà Nội. Vậy đã đến lúc Hà Nội cần có cách nhìn thực tế hơn, sâu sắc hơn nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị tích cực với đời sống dân sinh.

Hà Nội làm rõ thông tin điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu Hà Nội làm rõ thông tin điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
Những điểm trốn nóng ở Hà Nội Những điểm trốn nóng ở Hà Nội
Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân
Khánh Khoa
Phiên bản di động