Báo chí góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thời đại mới

Từ chủ trương đột phá tập trung cho nguồn lực con người, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình số 06-CTr/TU). Sau gần 5 năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn. Góp phần làm nên thành công đó, ngoài quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, phải kể đến vai trò của cơ quan báo chí trong việc định hướng, tuyên truyền, để xây dựng người Hà Nội trở thành hình mẫu về phẩm chất, lối sống, xứng danh “người Tràng An”.
Hà Nội: Chú trọng đầu tư cho các thiết chế văn hóa Hà Nội: Chú trọng đầu tư cho các thiết chế văn hóa
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hóa, con người Hà Nội Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền về văn hóa, con người Hà Nội

Tư duy đột phá về văn hóa và con người

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã được thành phố Hà Nội quan tâm triển khai, xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Trước đó, Thành uỷ Hà Nội đã có Chương trình số 05-CTr/TU ngày 6/3/1997, trong đó nhấn mạnh đến xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Sau khi có Nghị quyết TW5 khoá VIII, Thành uỷ đã có các Chương trình 08-CTr/TU ngày 4/8/2006, Chương trình 04-CTr/TU ngày 18/10/2011 để cụ thể hóa Nghị quyết, trong đó đều nhấn mạnh tới nội dung cơ bản quan trọng là phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy đưa nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, trong đó có Chương trình 04-CTr/Thành ủy về phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gia đoạn 2016-2020.

Chương trình số 06-CTr/TU “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” tại Đại hội XVII tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước, đồng thời thể hiện quan điểm đột phá, coi văn hóa, con người là trọng tâm của phát triển. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ Hà Nội.

Thành công của Chương trình 06/CTr-TU có đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí trong công tác định hướng, tuyên truyền, phát hiện và lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo, điển hình tốt; phản ánh cái xấu, để từ đó khắc phục, sửa chữa, tiếp tục định vị giá trị, chuẩn mực của người Hà Nội, đáp ứng yêu cầu mới thời hội nhập.

TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây là một trong năm nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được Đảng bộ TP Hà Nội đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”. TP cũng là địa phương trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa - Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Báo chí góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thời đại mới
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan không gian sáng tạo trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. TS Nguyễn Văn Phong khẳng định, đây được coi là giải pháp nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được lan tỏa

Trong gần 5 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương" trong nhà trường và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.

Bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố đã phát hành hơn 30.000 sổ tay Quy tắc ứng xử; hàng nghìn tin, bài, chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện Quy tắc ứng xử được đăng tải; gần 40 cuộc tọa đàm, hội thi được tổ chức như Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng TP Hà Nội. Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô.

Báo chí góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thời đại mới
Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh qua 7 lần tổ chức đã góp phần tuyên truyền vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua 7 lần tổ chức, Giải đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội. Điều đó thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm của những người làm báo, các cơ quan báo chí trước các vấn đề đặt ra đối với phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội hiện nay.

Ngoài ra, ở góc độ tuyên truyền, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tôn vinh cái đẹp, dẹp cái xấu. Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao động chia sẻ, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu và xu thế của thời đại. Điều này thể hiện qua triển khai Chương trình số 06-CTr/TU. Từ việc thực hiện chương trình này và 2 quy tắc ứng xử mà UBND TP HN ban hành, nhiều mô hình được các địa phương triển khai rất sáng tạo, hiệu quả.

Từ đây, mô hình các trường học thực hiện “Khoanh tay – mỉm cười – cúi chào” đã và đang được lan tỏa, trở thành một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp trong các em học sinh và các thầy cô giáo tại các trường học trên địa bàn quận Long Biên; Mô hình "Trưởng thôn thân thiện", "Đám cưới tập thể theo nếp sống mới", Cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp"… tạo nên sự sự nổi thi đua và hiệu quả thực tế ở các quận, huyện tại Hà Nội. Phong trào giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp không còn dừng lại ở một cuộc thi, mà đã thực sự được duy trì, nhân rộng, tạo thành nét tiêu biểu ở các quận, huyện, thị như: Đan Phượng, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Ba Đình…

“Góp phần lan tỏa những đổi thay tích cực, nét đẹp đó của người Hà Nội có vai trò của báo chí, trong đó có báo Lao Động. Gần như tất cả cả chuyên mục “đinh” của Báo Lao Động hàng ngày đều có tin bài liên quan đến Hà Nội, văn hóa Hà Nội. Báo không chỉ phản ánh, chỉ ra những vấn đề bất cập còn tồn tại mà trên hết là tinh thần góp ý, xây dựng, điểm rõ những cái chưa được, chưa tốt với mong muốn chính quyền, cán bộ, người dân Hà Nội thay đổi, cải thiện tốt hơn mà còn ghi nhận rất nhiều kết quả chính quyền và công dân Thủ đô đã làm được trong suốt thời gian qua” – Tổng Biên tập Báo Lao Động khẳng định.

Báo chí góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thời đại mới

Cần tiếp tục đi sâu, đi sát thực tiễn

Vừa đồng tình quan điểm trên, vừa chỉ ra cách tuyên truyền hiệu quả, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Quyền Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận nhấn mạnh, báo chí cũng cần tiếp tục đi sâu, đi sát vào thực tiễn mỗi nếp nhà, mỗi khu phố, mỗi môi trường công sở để thấy những “bụi vàng”, những cốt cách văn minh, thanh lịch cần được nâng niu, gìn giữ lan toả, phát huy, đâu là những điều còn tồn tại, cần gạn đục khơi trong…

“Báo chí phải giúp người dân thấy, cảm nhận, khâm phục, thích thú trước những cách làm hay, sáng tạo thì mới giúp họ có động lực để nói gương, để thực hiện” – nhà báo Lê Nguyên Huy nói.

Báo chí góp phần quảng bá hình ảnh người Hà Nội thời đại mới

Lễ trao giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu ý kiến, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hoá các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp Nhân dân; tuyên truyền hiệu quả văn hoá người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp" trên không gian số…

“Bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta rất cần có những sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan báo chí để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đưa các chương trình, kế hoạch, quy định của Hà Nội và đất nước vào cuộc sống thực chất hơn, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội, tạo nên hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021” – chuyên gia Nguyễn Chí Mỳ bày tỏ quan điểm.

Thái Sơn
Phiên bản di động