Cách mạng tinh gọn bộ máy: Bố trí đúng người, đúng việc, đúng khả năng
Quốc hội sẽ họp bất thường quyết định về tinh gọn bộ máy, nhân sự Lực lượng Công an sẽ tiếp tục đi đầu trong tinh gọn bộ máy |
Công tác tổ chức cán bộ luôn là yếu tố quyết định. Hiện nay, các cấp, các ngành đang tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; đẩy mạnh sắp xếp, triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nét mới trong vai trò lãnh đạo của Đảng mà chúng ta đang chứng kiến và được người dân, cán bộ Đảng viên rất đồng tình ủng hộ là chúng ta đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng thần tốc liên quan đến tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành và hiện nay các cơ quan đang triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các cơ quan Trung ương. Trung ương đi đầu, làm gương, "vừa chạy vừa xếp hàng", các địa phương cứ thế làm, không đợi Trung ương.
Theo ông Nguyễn Văn Đáng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay chúng ta đang làm rất thần tốc dù cũng có những ý kiến lo ngại là chúng ta không chỉ tinh giản cơ học. Điều đó rất đúng. Nhưng đấy là đầu mối về tổ chức, là cái đầu tiên chúng ta làm được.
TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, trong Nghị quyết 18 ban hành từ năm 2017 cũng như trong các văn bản gần đây chỉ đạo, rõ ràng chúng ta không hề làm cơ học. Đợt này tinh gọn cả về tổ chức bộ máy, cả về con người, cả về cơ chế, nguyên tắc hoạt động.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, yếu tố quyết định thành công không chỉ là tinh gọn về bộ máy. Đó chỉ là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng. |
Chính vì thế trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm có nói rõ là Đảng tránh bao biện, làm thay. Sau đó là không buông lỏng vai trò lãnh đạo, không có nghĩa là để các cơ quan Đảng lấn sân các cơ quan Nhà nước quá sâu.
"Đây là vấn đề người đứng đầu Đảng đã nói rất rõ ràng. Cho nên để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này, cả hệ thống đang nỗ lực và tôi tin rằng có cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào sự thành công trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đáng, tinh gọn bộ máy không đơn giản chỉ là đầu vào, vấn đề là sản phẩm đầu ra như thế nào, thể hiện ra thành tác động xã hội như thế nào, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống cơ quan công quyền có thực sự thay đổi, có thực sự khơi dậy khát vọng phát triển của các lực lượng phát triển trong xã hội để đóng góp vào tiến trình phát triển của quốc gia không.
"Đó mới là cái chúng ta kỳ vọng, chứ không phải chỉ đơn giản nhìn thấy bộ máy thu hẹp lại, số lượng nhân sự giảm bớt đi. Cái chúng ta kỳ vọng là tác động kết quả đầu ra như thế nào, thực sự có trở thành động lực để phát triển đất nước hay không", TS. Nguyễn Văn Đáng nói thêm.
TS. Nguyễn Văn Đáng cũng cho rằng, việc tinh gọn bộ máy cũng cần một tiến trình. Trước hết việc gì dễ chúng ta làm trước, còn liên quan đến chất lượng của hệ thống chính trị, chúng ta cần lộ trình tiếp theo và không phải chúng ta cách mạng đợt này xong là xong. Đó là một tiến trình phải được tiến hành thường xuyên.
"Như vấn đề cải cách hành chính, phân cấp phân quyền…, đấy là những tiến trình chúng ta phải làm thường xuyên và tiếp tục. Nhu cầu cải cách, đổi mới hệ thống cơ quan công quyền hay rộng ra là hệ thống chính trị là nhu cầu thường xuyên và hệ thống chính trị ấy thích ứng được với sự biến đổi của bối cảnh xã hội trong từng giai đoạn khác nhau", TS. Nguyễn Văn Đáng nói.
Ông Đáng chia sẻ, tinh gọn không chỉ đơn giản ở cơ cấu bộ máy tổ chức mà cái quan trọng của hệ thống là chất lượng nhân sự. Khi tinh gọn bộ máy rồi thì những con người được bố trí vào cơ quan, hệ thống tổ chức mới như thế nào. Nghị quyết 18 đã nêu từ năm 2017 là chúng ta phải hướng đến bố trí con người phù hợp với năng lực.
Nhiều người nói về người tài; thực ra người tài là khái niệm rộng và thực tế trong hệ thống chính trị phải phân định ra nhiều nhóm người tài khác nhau. Có tài năng lãnh đạo chính trị, lãnh đạo chính trị chắc chắn phải có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội. Tài năng trong hoạch định và thực thi chính sách thì phải là những người kỹ trị, phải có kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực.
"Chúng ta phải phân định ra người tài như thế nào, lĩnh vực nào, ở cấp Trung ương, địa phương như thế nào. Nhìn lại bài học thành công của các nước trong khu vực Đông Á thì rõ ràng lực lượng nhân sự chất lượng cao trong hệ thống cơ quan công quyền có vai trò rất rõ rệt. Tại Singapore, chế độ trọng người tài của họ rất hiệu quả, được thế giới thừa nhận. Rồi hệ thống công chức chuyên môn hóa rất tài năng của Nhật Bản. Đó đều là những nước chúng ta có thể học hỏi", ông Đáng nêu dẫn chứng.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì yếu tố quyết định thành công không chỉ là tinh gọn về bộ máy. Đó chỉ là điều kiện cần, tổ chức gọn nhẹ lại. Nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng của họ. Chúng ta cũng phải chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn.
"Tôi nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người bởi vì rộng ra hệ thống chính trị ở Việt Nam là hệ thống quyền lực tập trung và thống nhất. Nó không phải như hệ thống ở các nước. Hệ thống thể chế có thể tự vận hành được, cuối cùng vẫn là yếu tố con người. Nếu lực lượng con người không đảm bảo yêu cầu, lại với hệ thống quyền lực tập trung và thống nhất, thì mối nguy hại chính là để cho lợi ích cá nhân, nhóm chi phối và lợi dụng hệ thống chính trị phục vụ cho lợi ích thiển cận của mình, dẫn đến xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.