Các "ông lớn" Facebook, Google, TikTok đã nộp bao nhiêu tiền thuế tại Việt Nam?
Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) bị phạt, truy thu thuế gần 3,4 tỷ đồng Đề xuất mức giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu |
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, từ 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.
Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam.
Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.
Tiktok đã nộp thuế 81,7 tỷ đồng tại Việt Nam |
Ông Minh cho biết, sau khi được cơ quan thuế tích cực tuyên truyền, trao đổi, vận động, đến nay đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này, trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix…
Đặc biệt, sau thời gian trao đổi, làm việc thì mới đây nhất, Tập đoàn Apple cũng đã chính thức thực hiện kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Như vậy cả 6 nhà cung cấp nước ngoài Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple vốn đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
“Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kê khai thuế theo quý, nên tính từ 21/3 đến nay các doanh nghiệp đã tạm nộp thay cho cá nhân phát sinh doanh thu của Việt Nam gần 500 tỷ đồng qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong khi đó, tổng số tiền các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó, riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ đồng”, ông Minh cho biết.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, những kết quả bước đầu này cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong việc phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế.
Cũng theo ông Minh, ngoài việc khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia, các kết quả trên cũng cho thấy chính sách quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, ông Đặng Ngọc Minh cho biết cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các người nộp thuế thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam theo đúng cam kết và các quy định của Việt Nam về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với các dịch vụ xuyên biên giới.