Bộ trưởng Công an đề xuất 'bỏ quy định về sổ hộ khẩu'

Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi theo hướng thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng quản lý thông qua dữ liệu điện tử, theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an Vinh danh các chiến sĩ Công an Thủ đô làm theo lời Bác Đại tướng Tô Lâm dâng hương tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân Bộ Công an: Bóc gỡ đường dây đánh bạc giao dịch 20.000 tỷ đồng qua mạng Internet

Trình bày dự án luật Cư trú (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, phương thức quản lý cư trú thủ công trước đây sẽ được bãi bỏ; cơ quan chức năng sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng internet được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

"Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân", ông Tô Lâm nói.

Nếu được dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trường hợp người dân làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu và thông báo bằng văn bản mà không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

bo truong cong an de xuat bo quy dinh ve so ho khau

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Hoàng Phong

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất nêu trên. "Bỏ sổ hộ khẩu giấy là phương thức quản lý cư trú hiện đại được một số quốc gia trên thế giới áp dụng", ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chính phủ cần sớm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 100 triệu công dân.

Về nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú, ông Tùng nói "đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực - dự kiến tháng 6/2021, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, khai thác thông tin thông suốt từ trung ương đến cơ sở".

bo truong cong an de xuat bo quy dinh ve so ho khau

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, việc chuyển đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân sẽ tác động lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách về hộ gia đình. Do đó, ông Tùng đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp là căn cứ quan trọng để thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... Khi không còn sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ khó khăn, vì các bên không thể tự mình truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết; nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.

"Chúng tôi đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú... trong các cơ sở dữ liệu", ông Tùng nói.

Ngoài nội dung trên, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng điều chỉnh quy định đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).

Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao.

Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại Hà Nội, TP HCM... nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Do vậy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

"Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc", ông Tô Lâm nói.

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, xin ý kiến Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 9, dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu này và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đây là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Nguồn: vne
Phiên bản di động