Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục mầm non
Hà Nội: Công khai hơn 2.700 cơ sở giáo dục mầm non độc lập Nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô qua Ngày hội chuyển đổi số Động lực nào để cô giáo mầm non gắn bó với nghề? |
Thách thức trong giáo dục mầm non
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024; phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non, diễn ra ngày 23/7, bên cạnh việc khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là bậc học nhiều khó khăn, thách thức nhất.
Cụ thể, nếu xét trên quy mô quốc gia, những “cái nhất” cần được khắc phục đều có ở giáo dục mầm non: Thiếu cơ sở vật chất nhiều nhất; thiếu giáo viên nhiều nhất, tỷ lệ giáo viên trên lớp thấp nhất; tỷ lệ trường học tạm nhiều nhất; giáo viên nghỉ việc nhiều nhất; lương thấp nhất; áp lực nhiều nhất; các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư ít nhất…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Thách thức cụ thể của giáo dục mầm non cũng được Bộ trưởng nhìn nhận ở khía cạnh khó đong đếm về mặt thành tích, từ đó phần nào ảnh hưởng đến sự quan tâm. Nếu cấp học cao hơn, việc tính thành tích dễ dàng, có thể từ giáo dục mũi nhọn, số lượng học sinh giỏi, kết quả các kỳ thi… nhưng với giáo dục mầm non chỉ là con số tỷ lệ phổ cập, tỷ lệ trẻ đến trường, còn về chiều sâu khó đưa thành tỷ lệ, tính đếm thành tích.
Chưa kể đến, ngành nghề này lương thấp nhưng công việc vất vả, nhiều áp lực tạo thách thức lớn để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Song, dù có cải cách tiền lương nhưng với bộ phận lương đang thấp như giáo viên mầm non, tiểu học thì không có cải thiện đáng kể, nếu chưa điều chỉnh được phụ cấp ưu đãi. Bên cạnh đó, sự đa dạng loại hình, phân tán về mạng lưới dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Phát triển chương trình giáo dục mầm non cũng là công việc khó.
Thách thức của giáo dục mầm non còn nằm ở chỗ: Trên 15% trường học tạm, chưa kiên cố hóa; số lượng này phân bố không đều ở các địa phương, thể hiện còn có sự bất bình đẳng trong điều kiện giáo dục.
“Thực hiện công bằng giáo dục cần bắt đầu từ kiên cố hóa trường, lớp học. Với mầm non, ý nghĩa kiên cố hóa trường học quan trọng hơn các bậc học khác vì trẻ em cần được hưởng thụ điều kiện chăm sóc tốt hơn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự quan tâm rất đặc biệt đến giáo dục mầm non”. |
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị phổ cập cho trẻ 3, 4 tuổi chính là 1 thách thức lớn, bởi lẽ, nếu triển khai sẽ cần thêm chỗ học cho khoảng hơn 2 triệu trẻ, vấn đề thiếu trường lớp sẽ tăng lên. Nhưng đây đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất với cấp học này.
Với nhiệm vụ thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới, tính thách thức cũng được Bộ trưởng nhắc đến; từ đó lưu ý cần thận trọng khi triển khai và tổng kết trung thực nhất về cả ưu, nhược điểm của chương trình; không vì làm đẹp bức tranh thí điểm của đơn vị, địa phương mình mà báo cáo không đầy đủ, thiếu trung thực…
Lưu ý về thách thức liên quan đến chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục mầm non cần triển khai thận trọng, phù hợp với độ tuổi, riêng vấn đề sắp xếp các trường cao đẳng, sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, cần triển khai làm sao không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp giáo viên…
Giáo dục mầm non có vai trò vô cùng quan trọng, song lại phải đối mặt với quá nhiều thách thức. “Với nhiều lý do như vậy, chúng ta cần có sự quan tâm rất đặc biệt đến giáo dục mầm non”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nội bộ ngành cần tự đổi mới trước khi trông chờ yếu tố ngoại lực
Đưa ra một số vấn đề quan trọng cần lưu ý triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đầu tiên đến yêu cầu tự đổi mới trong nội bộ ngành. Bản thân người trong cuộc còn chưa đổi mới được trong quan niệm, nhận thức, tầm quan trọng, sự chú ý và quan tâm đến cấp học này, thì rất khó để thuyết phục lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các cấp quan tâm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tự chủ động đổi mới sáng tạo các hoạt động giảng dạy trong nội bộ ngành, thời gian qua, nhiều tấm gương sáng của ngành Giáo dục Thủ đô đã luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu về việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Như tại điểm Trường Mầm non Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, với nhiều năm gắn bó trong nghề, những người lái đò nơi đây luôn chủ động sáng tạo nhiều phương pháp đổi mới cho cấp học đặc biệt này.
Có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thị Nga – Nhà giáo tâm huyết sáng tạo năm 2023, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và thành công xây dựng dự án tái chế từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng.
Cô Nguyễn Thị Nga cùng học sinh tham gia sáng tạo những đồ vật từ lá cây |
Theo đó, từ năm 2012, cô Nga đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi cách tái chế phế liệu làm công cụ học tập, đưa vào giáo dục mầm non nhằm phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.
Từ kinh nghiệm tích luỹ được, cô Nga kết hợp làm hỗn hợp bột giấy mịn tạo ra những đồ dùng, đồ chơi gần gũi, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí: Làm “Lăng kính chiếu 3D từ mica dẻo”, vẽ tranh trên mica dẻo; làm khung tranh từ mica dẻo…
“Qua những hoạt động ấy, tôi mong muốn trẻ chơi mà học. Các con được tự tìm tòi, khám phá, sáng tạo theo ý tưởng của riêng mình từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng tưởng chừng như bỏ đi”, cô Nga cho hay.
Thời gian tới, cô Nga sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai những dự án mới từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa vào tái chế các nguyên liệu mới như rơm rạ, rễ cây… qua các dự án cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau.
"Tôi sẽ tiếp tục đưa trẻ vào các tiết học thông qua các hoạt động vui chơi để trẻ được học bằng chơi, chơi mà học. Từ đó, trẻ được tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ được lâu" - cô nói.
Còn đối với cô giáo Nguyễn Thu Hiền (34 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai, Ba Đình, Hà Nội), với lòng yêu nghề mến trẻ, khả năng chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, cùng tôn chỉ “yêu trẻ bằng cả trái tim”, cô giáo Hiền luôn nỗ lực, cố gắng và không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi, áp dụng những phương pháp mới, những kinh nghiệm hay vào dạy trẻ.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", cô Hiền đã chủ động nghiên cứu, xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ trong trường học bằng cách bố trí, sắp xếp các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp với chủ đề, thuận tiện cho việc sử dụng.
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền luôn nhận được sự yêu quý đặc biệt từ các bạn học sinh |
Ghé thăm căn phòng nơi cô Hiền đang đứng lớp, phóng viên không khỏi bất ngờ khi tiết học ở đây luôn cuốn hút những đứa trẻ chăm chú lắng nghe, thích thú trao đổi, xung phong, phát huy tính sáng tạo của mình.
Bởi trong suốt quá trình đứng lớp, với sự tâm huyết, khả năng sáng tạo không ngừng cùng tinh thần tự học, niềm đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật, cô giáo Nguyễn Thu Hiền đã lựa chọn phương pháp giảng dạy kết hợp với nghệ thuật để cho trẻ thoả sức sáng tạo, thể hiện bản thân và trau dồi những cảm xúc tích cực cho trẻ.
Cụ thể, với bức tranh chân dung của Picasso, các bạn lớp mẫu giáo bé được đơn giản hóa bằng cách ghép các bộ phận trên khuôn mặt từ nhiều mảnh ghép cắt rời để tạo thành một bức tranh chân dung hoàn chỉnh. Còn lớp mẫu giáo lớn, trẻ trực tiếp được sáng tạo tranh chân dung từ chất liệu đất sét.
Tương tự, đối với danh họa Kandinsky, lớp mẫu giáo bé sẽ xếp chồng những nắp chai, lọ, hộp… có dạng hình tròn và kích cỡ khác nhau thành họa tiết trang trí. Các anh chị ở lớp mẫu giáo lớn tiến hành tô màu những hoạ tiết hình tròn và cắt, ghép lại thành tác phẩm hoàn chỉnh.
Qua những bài giảng nghệ thuật sáng tạo, cô Hiền đã xây dựng cho trẻ sự thích thú, niềm vui mỗi ngày tới lớp, đồng thời, tha hồ thỏa sức sáng tạo trên những kỹ năng trẻ đã thuần thục.
Với định hướng của nhà trường là phát triển trẻ toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm, cô Hiền đã luôn suy nghĩ, tìm tòi và áp dụng những hoạt động mới lạ cho trẻ tưởng "lạ mà quen", từ đó thu hút hứng thú của trẻ mỗi khi đến lớp.
Thời gian tới, cô Hiền cho biết sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn của học trò thông qua các hoạt động nghệ thuật và mang tinh thần đó lan toả đến các lớp trong khối và toàn trường.
Thông qua các hoạt động tạo hình cô Hiền mang đến cho trẻ, trẻ được khuyến khích khả năng sáng tạo, nâng cao kỹ năng tư duy hình tượng giúp trẻ bộc lộ cảm xúc cũng như cảm nhận được sự phong phú và đẹp đẽ của thế giới xung quanh.
“Tôi đã cho trẻ tiếp cận những tuyệt tác của các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Picasso, Van Gogh, Kandinsky, Claude Monet… Qua đó, mang đến cho trẻ một cách tiếp xúc nghệ thuật hoàn toàn mới, giúp trẻ vượt qua kiến thức trong khuôn khổ sách vở. Các con sẽ dần dần được tìm hiểu các thông tin cơ bản của các hoạ sĩ như nơi sinh, phong cách, một số tác phẩm nổi tiếng. Xuyên suốt quá trình, tôi và phụ huynh trực tiếp đồng hành cùng con trong khâu tìm hiểu, đơn giản hoá kiến thức…”, cô Hiền cho hay.
Cũng tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024; phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 với giáo dục mầm non, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra thêm một số vấn đề quan trọng cần lưu ý triển khai trong thời gian tới. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến cải cách hành chính, giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đây là yêu cầu cấp bách, cần làm ngay. Đồng thời cần tranh thủ chủ trương phổ cập và các chương trình mục tiêu quốc gia để kiên cố hóa, tiến tới hiện đại hóa trường lớp đối với giáo dục mầm non. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt với hệ thống cơ sở ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập. Đề cập đến xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ trưởng mong muốn có sự quan tâm, góp ý trách nhiệm, tâm huyết của người trong cuộc, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, nhất là những nội dung về bảo vệ nhà giáo. Dự thảo Luật đang xây dựng trên tinh thần chuyển từ quản lý mang tính hành chính sang quản trị nguồn nhân lực đối với nhà giáo. Luật cũng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đem lại nhiều ưu thế và quyền lợi hơn cho đội ngũ. Tuy nhiên, song song với đó, luật cũng yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo phải phấn đấu phát triển nhiều hơn, tạo tiền đề và căn cứ để nâng cao chất lượng giáo dục và làm điều kiện để khôi phục, nâng cao sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo. Đó là hai phương diện trong việc xây dựng luật cần làm công tác tư tưởng với đội ngũ. Cũng liên quan đến xây dựng chính sách, Bộ trưởng mong muốn đội ngũ cùng nêu vấn đề và thuyết phục xã hội để càng nhanh càng tốt nâng cao phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học. Điều chỉnh chính sách cần sự kiên trì và sẽ hiệu quả nếu có sự hô ứng, mọi người cùng lên tiếng, đồng lòng thuyết phục. |