Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Tham gia các FTA không làm tăng gian lận xuất xứ
Doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận xuất xứ vào 'tầm ngắm' Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm gian lận xuất xứ hàng hóa |
Trả lời Báo Chính Phủ trước thềm năm mới 2020, Bộ trường Trần Tuấn Anh cho biết, hơn 20 năm qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều FTA nhưng tỷ lệ gian lận xuất xứ trong xuất khẩu vào các thị trường này là rất không đáng kể. Chỉ khi mức chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ nước khác là rất lớn hoặc mức chênh lệch thuế tuy nhỏ nhưng dung lượng thị trường nhập khẩu lại rất lớn nên lợi ích bất chính thu được là đủ lớn thì mới xuất hiện động cơ gian lận.
Mức chênh lệch này xuất hiện trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một gia tăng, hàng hóa của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế bổ sung hoặc bị Hoa Kỳ, EU và các nước khác áp thuế hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại ở mức rất cao so với hàng hóa của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng nông sản của Hoa Kỳ bị Trung Quốc đánh thuế trả đũa như thịt gà, ngô ngọt, đậu tương... cũng có khả năng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thị sát tình hình thị trường tại Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Hạnh/MOIT. |
Theo người đứng đầu ngành Công thương, gian lận xuất xứ thường xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (như Hoa Kỳ, EU, Canada) do các thị trường này không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Do C/O không phải là chứng từ bắt buộc, doanh nghiệp được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu nên khi có chuyện xảy ra, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó vào cuộc nếu như không được hải quan nước nhập khẩu cung cấp thông tin.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
"Chúng tôi đã trao quyền chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, Bộ vừa siết chặt công tác cấp C/O của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, vừa phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu (như cơ quan hải quan Đức, cơ quan chống gian lận của EU, Hàn Quốc) tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ của nhiều mặt hàng", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương cũng thường xuyên thực hiện công tác tập huấn, cảnh báo cho các cơ quan, tổ chức cấp C/O và doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng việc thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, có văn bản cảnh báo, đôn đốc các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa. Tổ chức hội nghị với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, thông qua các hiệp hội để hướng dẫn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện đúng quy định về xuất xứ hàng hóa; tận dụng ưu đãi thuế quan; phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại.
Mặt khác, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động chi tiết triển khai Đề án, theo đó, tập trung vào: công tác xây dựng danh sách cảnh báo; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; rà soát quy định về xuất xứ; tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; phối hợp, trao đổi với các đối tác nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ cũng đã xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
"Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của các Bộ, ngành, sự quan tâm của các Hiệp hội ngành hàng, sự tham gia, phối hợp của cả các doanh nghiệp trong việc phát hiện hành vi gian lận, tôi tin rằng công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2020", ông Trần Tuấn Anh nhận định.