Bộ Công thương thanh tra 5 doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Từ nay đến quý 3/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với 5 doanh nghiệp.
Cảnh báo chiêu trò lôi kéo người vào hệ thống bán hàng đa cấp trái phép Hơn nửa triệu người bán hàng đa cấp có doanh thu, hoa hồng

Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 của Bộ Công thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, đơn vị đang triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với 5 doanh nghiệp.

Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra gồm: Công ty TNHH Nhượng quyền Toàn Thắng, địa chỉ: 87C Bờ bao Tân Thắng, Phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, TP HCM; Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi, địa chỉ: 345/2 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, TP HCM; Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink), địa chỉ: Lô C16/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, Địa chỉ: Số 89, Đường Xuân Hồng, Phường 12, Quận Tân Bình, TP HCM; Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam, 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TP HCM.

bo cong thuong thanh tra 5 doanh nghiep ban hang da cap
Một chương trình tôn vinh nhà phân phối xuất sắc của Công ty TNHH Nhượng quyền Toàn Thắng.

Trường hợp có thông tin phản ánh hoặc có vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị người dân cung cấp thông tin để xem xét, làm rõ trong quá trình thanh tra.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng phát đi cảnh báo các dự án/mô hình hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng” hay “đa cấp thời đại 4.0”.

Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube các nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp” của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết.

Qua rà soát các nội dung được giới thiệu trên các phương tiện Internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá một số các dự án, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép. Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io … đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.

Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án nêu trên.

Hậu Lộc
Phiên bản di động