Bộ Công thương kiến nghị 'giải cứu' nông sản vì dịch corona

Bộ Công thương vừa tiếp tục đưa ra những kiến nghị nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch virus corona vẫn diễn biến phức tạp.
Khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vì virus corona

Theo Bộ Công thương, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn nhiều so với dịch SARS trước đây.

Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có nước ta, đã chính thức công bố tình trạng dịch bệnh và áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, với sự nỗ lực phi thường để hạn chế tốc độ lây nhiễm và điều trị cho người dân.

Mặc dù vậy, tình hình tại Trung Quốc vẫn chậm được cải thiện và hiện rất khó dự đoán về thời điểm mà nước bạn có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch.

bo cong thuong kien nghi giai cuu nong san vi dich corona
Xe chở thanh long, dưa hấu bị ùn ứ vì cửa khẩu chưa mở. Ảnh: VGP.

Tình hình dịch bệnh khiến khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ.

Bên cạnh đó, việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách đang diễn biến thuận lợi nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Trước tình hình đó, ngay từ mùng 5 Tết (28/01/2020), Bộ Công thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Ngoài ra Bộ Công thương cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ, nặc dù vậy, kết quả thu được là chưa nhiều.

Theo lý giải của Bộ Công thương, nguyên nhân là do xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc, vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn dù Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua. Với sản phẩm xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại.

Hơn nữa, các chủ hàng ngại ngần khi được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... những gì chuyển được đã chuyển ngay, thí dụ như mặt hàng sợi chuyển từ biên giới về Hải Phòng để xuất qua đường biển nhưng nhìn chung không nhiều.

Bên cạnh đó, mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn. Mặt hàng trái cây nói riêng và nông sản nói chung không dễ chuyển hướng thị trường bởi chưa được nước khác cho nhập khẩu chính thức; hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì...

Trước tình hình đó, Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã làm, như chỉ đạo hệ thống Thương vụ vào cuộc (nhiều thương vụ đã có lịch làm việc với khách trong tuần này), yêu cầu các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu.

Ngành Công thương cũng khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài; tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị các cấp ngành hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức; với các lô hàng không đủ điều kiện chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức thì ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại.

Hơn nữa, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.

Trong khi đó, ngành Công thương cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay, góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, đến ngày 2/2 có 307 xe hàng nông sản và 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn đã tập kết tại khu vực cửa khẩu chờ xuất khẩu (Quảng Ninh có 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn; Lạng Sơn có 167 xe hàng nông sản, thanh long là chính; Lào Cai có 140 xe hàng nông sản, chủ yếu là thanh long, 10 xe dưa hấu). Hiện một số chủ xe đã quay về tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…

Các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở, cặp chợ biên giới bằng phương thức trao đổi cư dân biên giới. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa các cặp chợ biên giới thì doanh nghiệp Trung Quốc bắt buộc chuyển sang nhập khẩu bằng đường chính ngạch (nộp thêm 9% VAT) hoặc hủy không nhận hàng.

Như vậy, một số hàng hóa của Việt Nam sẽ không xuất sang được Trung Quốc do chưa được nước bạn cho phép nhập khẩu chính thức và một số hàng hóa được nhập khẩu chính thức sẽ phải chịu thêm thuế làm tăng giá bán, giảm khả năng tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động