Kinh doanh mía đường còn nhiều kẽ hở bị các đối tượng phi pháp lợi dụng

Công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn còn thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng...
Mía đường Thái Lan bán phá giá vào Việt Nam: Hành động của Bộ Công thương Nhà máy mía đường đóng cửa hàng loạt vì thiếu nguồn nguyên liệu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại và rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được phát hiện tại hầu như tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tuy nhiên, tổng lượng đường của các vụ việc phát hiện chỉ chiếm phần rất nhỏ lượng đường nhập lậu ước tính, cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn còn thiếu hiệu quả, nhiều kẽ hở và đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng.

Theo cách tính của Tổ chức đường quốc tế ISO, trong năm 2023, ước tính mặt hàng đường từ Campuchia và Lào xuất lậu vào Việt Nam 523.098 tấn; trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính 326.894 tấn.

Thực tế hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu trong thời gian vừa qua cho thấy một số dấu hiệu rất đáng lo ngại như: Đối với mặt hàng đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ do các lực lượng chức năng tại các địa phương bắt giữ, tịch thu được xem là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Kinh doanh mía đường còn nhiều kẽ hở bị các đối tượng phi pháp lợi dụng
Ảnh minh họa.

Đường cát bị bắt giữ được đem đi kiểm nghiệm nếu đạt tiêu chuẩn quốc gia thì các địa phương xử lý theo phương thức tổ chức bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên phương thức đưa đường có nguồn gốc Thái Lan bất hợp pháp bị tịch thu quay trở lại thị trường này đã bộc lộ các bất cập.

Theo dẫn chứng của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tất cả các lô đường nhập lậu bị bắt giữ sau đó đem đi đấu giá đều có đặc điểm không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và như vậy chính là “thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, hành vi sản xuất kinh doanh “thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ” hoặc quá thời hạn sử dụng là hành vi bị cấm (quy định tại khoản i mục 5 điều 5 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12) và mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ có thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy (quy định tại mục 3 điều 55 Luật An toàn thực phẩm).

Như vậy việc đưa loại đường này quay lại thị trường là không phù hợp quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, việc các đối tượng buôn lậu có thể nhân bản lên nhiều lần số lượng đường lậu đưa vào thị trường nhờ các hóa đơn đấu giá đã được hiệp hội phát hiện trong đợt công tác khen thưởng và khảo sát việc xử lý bắt giữ đường lậu tại Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị vào tháng 6/2024.

Trong 8 vụ việc mà Hiệp hội có thể tiếp cận thông tin, có tổng cộng 391,38 tấn đường nhập lậu đã bị kiểm tra nhưng chỉ có thể bắt giữ 44 tấn (tỷ lệ 11,2%). Toàn bộ số lượng 347 tấn đường lậu còn lại (gấp 7,8 lần) đã đường hoàng đi vào thị trường. Kẽ hở này xuất hiện nhờ kỹ thuật “quay vòng hóa đơn” do chỉ đối chiếu số lượng trên hóa đơn thay vì kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo quy định pháp luật.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay có nhiều vụ việc chỉ xử lý hành chính các hành vi nhập lậu và gian lận thương mại đường lậu giúp “bình thường hóa” các hành vi này.

Chẳng hạn như tại Quảng Trị, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới và dọc tuyến đường 9 đã bắt giữ gần 300 vụ với 663 tấn đường kính xuất xứ nước ngoài bị thu giữ. Toàn bộ đường nhập lậu bị thu giữ đều là đường trắng và đường tinh luyện sản xuất tại Thái Lan, nhưng chỉ có vài vụ việc nhỏ lẻ bị truy tố, hầu hết chỉ là xử lý phạt hành chính.

Trên các tuyến giao thông, số lượng xe tải vận chuyển đường Thái Lan không giấy tờ chứng minh xuất xứ bị phát hiện nhiều nhưng lượng bắt giữ không đáng kể và hầu hết cũng chỉ xử lý phạt hành chính dẫn đến số lượng và quy mô ngày càng tăng cho thấy các phương thức xử lý phạt hành chính không mang lại hiệu quả cao.

Mặt khác, tại các thị trường tiêu thụ chính tại các đô thị việc bày bán và vận chuyển đường Thái Lan là công khai và tự do, đường vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa hoặc truy xuất nguồn gốc cũng lưu hành và hầu như không có đối tượng nào bị truy tố.

Nhiều biện pháp được áp dụng nhưng kết quả chỉ là xử lý hành chính và các đầu nậu buôn lậu đường đều thực hiện nhiều lần hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu qua nhiều năm môt cách công khai, và đến nay các đối tượng này hầu như khó xử lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động