Bộ Công thương đã trình Thủ tướng cơ chế điều chỉnh giá điện
Khẩn trương xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện Phó Thủ tướng ra "tối hậu thư" thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về các phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, bao gồm chi phí các khâu trong quá trình sản xuất cung ứng điện như phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ, điều hành, quản lý ngành… đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí đúng, đủ.
Các cơ chế điều hành, điều chỉnh mức giá bán điện bình quân thì đã được quy định rất rõ trong Quyết định 24 liên quan đến các nội dung như: Thông số đầu vào mà biến động làm cho giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì sẽ được xem xét điều chỉnh tăng và nếu giảm thì sẽ được xem xét điều chỉnh giảm tương ứng.
Theo ông Tân, điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết các mặt của đời sống kinh tế- xã hội, nên việc điều chỉnh điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội nên Quyết định 24 cũng quy định cần phải báo cáo Thủ tướng có ý kiến, trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. |
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện với lộ trình phù hợp và đã trình lên Thủ tướng.
Về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Bộ Công thương đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và đặc biệt là không để thiếu điện.
Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp: Bảo đảm đầy đủ nguồn cung ứng nhiên liệu đầu vào (than, khí, dầu cho sản xuất điện); đẩy mạnh tiến độ đầu tư các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch- Phố Nối; đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ chức phát điện; điều độ vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu, kỹ thuật, bảo đảm chi phí hợp lý; đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.
Ngoài việc đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công thương cũng triển khai các giải pháp khá quan trọng, đó là công tác liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đây là việc rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay,…
Để đảm bảo cung ứng điện Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo EVN nâng cao công tác dự báo, xây dựng các kịch bản để đối phó với các tình huống khẩn cấp, cực đoan có thể xảy ra trong vận hành hệ thống điện; đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho đời sống sinh hoạt người dân.