Bộ Công an phối hợp, xử lý livestream bán hàng gian, trốn thuế

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế,...
Tổng cục Thuế nói về việc quản lý bán hàng livestream Kho hàng lậu của hot girl Cà Mau livestream thu gần 300 triệu/ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 316/TB-VPCP thông báo kết luận Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế,...

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng khi có vi phạm pháp luật chuyên ngành; đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý, phát triển các mô hình giao nhận, chuyển phát nhanh trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt là hoạt động xuyên biên giới phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Công an phối hợp, xử lý livestream bán hàng gian, trốn thuế
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác quản lý thuế, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế theo phương thức điện tử, triển khai các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng trên các nền tảng công nghệ số.

Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng; đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Cùng đó, Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung quy định các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng phải được định danh đầy đủ trên các nền tảng trước khi thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ; triển khai các giải pháp để quản lý toàn diện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ về nhân lực và kinh phí triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng trên địa bàn; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để chống thất thu, bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Theo đó, thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trong 5 tháng đầu năm 2024 doanh thu quản lý là 1,8 triệu tỷ đồng (tương đương 71 tỷ USD), số thuế đã nộp khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với số thuế bình quân 5 tháng năm 2023.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là 42.898 đã thực hiện kê khai, nộp thuế 9.979 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ, các trường hợp đã xử lý vi phạm là 4.560 với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng.

Về quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Lũy kế kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (ngày 21/3/2022) đến ngày 19/6/2024 đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Úc; Anh; Switzerland;… Tổng số thuế đã khai nộp trực tiếp là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Hậu Lộc
Phiên bản di động