Biến giấy báo bỏ đi trở thành bức tranh đầy ý nghĩa
Cận cảnh bức tranh khổng lồ tái hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn |
Độc đáo với bức tranh được vẽ bằng chất liệu giấy
Hội họa được công chúng biết đến với những bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu... Nhưng nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm của một số họa sĩ sử dụng chất liệu giấy để tạo nên bức tranh độc đáo không kém so với những chất liệu khác.
Những mảnh giấy báo, tạp chí cũ đã được chị Hồng phân loại gọn gàng |
Bước ra từ trường đại học Ngoại thương với chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, chẳng mấy ai nghĩ Nguyễn Thị Kim Hồng (Hà Nội) lại chuyển hướng sang làm cô giáo mầm non với các hoạt động tư vấn, đào tạo phương pháp dạy học Montessori. Có thể nói, đây chính là một bước ngoặt giúp Hồng nhìn lại bản thân và nhận ra những giá trị còn tiềm ẩn.
Với công việc hiện tại bắt buộc phải tiếp xúc rất nhiều với trẻ em, phải tìm hiểu và hóa thân thành những người bạn với con trẻ đã là “bản lề” giúp Kim Hồng đến gần hơn với tranh xé dán. Từ hơn một năm nay, ngoài những lúc đi dạy ở một trường mầm non, Kim Hồng dành khá nhiều thời gian để mân mê với những bức tranh xé dán. Nếu nói Hồng làm tranh từ giấy vụn chắc cũng chẳng sai, bởi thói quen thông thường, Hồng sẽ giữ lại những đồ dùng cũ, những báo và tạp chí để vừa cắt ra làm đạo cụ dạy học vừa gắn tranh nhìn khá lạ mắt.
Kim Hồng miệt mài bên khung tranh, giấy báo, hồ nước… |
Hồng chia sẻ, "Mình chọn tranh xé dán vì hai lý do. Thứ nhất, mình rất yêu các hoạt động môi trường và luôn cảm thấy việc vứt bỏ báo cũ với các hình in đẹp đẽ là rất lãng phí. Thứ hai là, mình vốn yêu hội họa, thích nghệ thuật nhưng không học về ngành này nên chưa có cơ hội để thử sức. Đặc biệt, mình yêu việc tạo nên cái mới từ những cái cũ.
Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, mình cũng có thời gian phải cách ly tại nhà vì có ghé thăm vùng dịch. Chính khoảng thời gian này, đã cho mình nhiều thời gian hơn để biến ý tưởng thành hiện thực và sáng tạo theo cách riêng của mình".
Nghệ thuật xé giấy đòi hỏi người nghệ sĩ phải cẩn thận tỉ mỉ từ những thứ nhỏ nhất |
Sáng tạo và thông điệp ý nghĩa
Trong hội họa thì người họa sĩ sẽ vẽ phác thảo rồi chủ động pha màu để vẽ nên tác phẩm. Còn Hồng thì ngược lại, cô không có một định hướng rõ ràng nào, cũng không vẽ phác thảo từng chi tiết rồi đi tìm tất cả số báo có mảng màu phù hợp để làm tranh mà cứ lâu lâu sẽ xin một số lượng báo nhất định, rồi dành thời gian vừa đọc báo vừa nhìn ngắm.
Từ những mảng màu và hình ảnh trong báo, Hồng sẽ tưởng tượng ra xem với những thứ đang có đây, mình có thể tạo ra điều gì? cho đến khi ý tưởng chín muồi, Hồng sẽ bắt tay vào làm tranh.
Những gam màu, họa tiết đặc trưng của phụ nữ Châu Phi đã được đưa vào tranh xé dán với thông điệp tôn vinh người phụ nữ |
Hồng chia sẻ: “Được tiếp xúc và làm việc với các con số từ những ngày còn là sinh viên đã giúp mình có một thói quen tư duy logic, kể cả việc xé dán tranh cũng vậy. Mỗi khi thu thập báo, mình sẽ cắt xé phân loại báo theo màu sắc, chủ đề, họa tiết… Chính việc này, đã giúp mình thao tác nhanh hơn trong quá trình sáng tác, không còn mất thời gian tìm kiếm làm dãn mạch cảm xúc”.
Trong quá trình làm tranh thì ý tưởng mới lại nảy sinh, các chi tiết mới lại được thêm vào bức tranh. Cứ tuần hoàn như vậy cho đến khi Hồng cảm thấy cảm xúc được gửi gắm tròn đầy trong tranh rồi thì sẽ dừng lại. Làm tranh xé dán theo kiểu này rất cần tĩnh lặng và kiên trì, tỉ mẩn, vì từ lúc phác thảo cho đến lúc hoàn thiện là cả quá trình khá dài với nhiều sự thay đổi, phát sinh mới so với ý tưởng ban đầu.
Để làm được một bức tranh hoàn chỉnh chị Hồng phải ngồi từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày |
"Đến hiện tại mình đã hoàn thành xong hơn chục bức tranh xé dán rồi. Mỗi bức tranh đều để lại những trải nghiệm cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt nên cũng rất khó nói bức tranh nào mình ấn tượng nhất. Tuy nhiên mình thường nhớ về bức tranh đầu tiên (Hoa cúc). Khi đó dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa, mình rất nhớ học sinh nên đã viết một bài thơ nho nhỏ tặng các bạn ấy và làm bức Hoa cúc để minh họa cho bài thơ đó", Hồng nói.
Nếu phải làm một phép so sánh thời gian để hoàn tất một bức tranh xé giấy với một bức tranh sơn dầu, tranh màu nước... cùng chủ đề, kích thước thì tranh xé giấy phải tốn thời gian gấp 2 đến 3 lần. Hồng chia sẻ rằng mỗi ngày nếu tập trung làm tranh cô có thể sẽ ngồi 14 - 16 tiếng liên tục, và có nhiều bức mất tầm 1 tuần - 10 ngày mới có thể hoàn thiện được.
Khi những bức tranh của Hồng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rất nhiều người đã nhắn tin hỏi cô về các phương pháp làm tranh và điều gì thực sự khiến cô có thể kiên trì, tỉ mỉ được lâu như thế. Hồng chỉ trả lời: "Mình nghĩ đơn giản tái chế là tái sử dụng đồ vật hoặc cho đồ vật một công dụng mới. Nó góp phần làm tăng vòng đời sản phẩm và giảm thiểu gánh cho môi trường.
Về bản chất việc làm tranh xé giấy không tái chế được nhiều giấy báo, nhưng nó cũng là một đam mê lành mạnh và có ý nghĩa nhất định. Một đồ vật không dùng được nữa có thể là vô dụng đối với mình nhưng lại hữu ích với người khác, vậy nên trước khi bỏ đi một vật gì đó chúng ta có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ xem có thể làm điều gì tốt hơn là bỏ nó đi không". Chính nhờ thông điệp đó, việc làm tranh xé dán từ giấy báo cũ của Hồng thực sự đã chạm đến trái tim của nhiều người bởi nó không chỉ đơn thuần là một trò giải trí, nó còn mang ý nghĩa cộng đồng rất lớn lao.
“Xé” báo để tạo ra một loại hình nghệ thuật mới, thổi vào từng mẩu nhật trình cũ kỹ thông điệp về đời sống hiện đại đang trôi. Đây chính là nét độc đáo ở tranh xé giấy mà các thể loại tranh khác không có được. Và có lẽ đây cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo không chỉ của Kim Hồng mà còn của rất nhiều nghệ sĩ khi tìm đến với nghệ thuật tranh xé giấy.