Bảo tồn văn hóa truyền thống qua mô hình “Làng khoa bảng, đất tứ danh hương"
Huyện Gia Lâm: Phấn đấu không “nợ” chỉ tiêu về thiết chế văn hóa Giới trẻ thích thú khi các thư viện ở Hà Nội mở cửa miễn phí Đến năm 2030, 100% xã có trung tâm văn hóa - thể thao |
Nổi danh vùng đất khoa bảng
Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” để chỉ truyền thống hiếu học ở một vùng đất ven đô. Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Từ thế kỷ XIV, cùng các dòng họ Hoàng, Quản, Doãn... đã về vùng ven sông Tô Lịch nơi đây để khai phá, lập làng và cho đến ngày nay được coi là một trong những dòng họ khoa bảng lừng lẫy đất Thăng Long. Thời xưa, hai mươi tiến sĩ ở Yên Hòa được ghi danh trên 82 văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Ngày nay, nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hàng nghìn thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân… chính là chứng nhân cho truyền thống khoa bảng ngàn năm ở vùng đất này.
Cụ Nguyễn Trung Thanh – Trưởng hội đồng Gia tộc dòng họ Nguyễn Như Uyên cáo tổ cho các bạn học sinh trường THCS Yên Hòa vào thăm nhà thờ họ |
Các dòng họ ở Yên Hòa từ xưa tới nay đã lấy truyền thống hiếu học của quê hương để giáo dục con cháu. Nhiều dòng họ trong những ngày giỗ tổ, thường xuyên nêu lại truyền thống của tổ tiên ông cha, nhắc nhở con cháu đùm bọc giúp đỡ nhau, răn dạy những điều hay lẽ phải. Với truyền thống hiếu học được truyền từ đời này qua đời khác, các dòng họ lâu đời của làng Yên Hòa đều tự khuyến khích con em mình học tập theo tấm gương của cha ông. Điển hình là dòng họ Nguyễn Vân Sơn, việc học tập được cả dòng họ thống nhất làm theo 8 điều tộc ước từ xa xưa của tổ tiên để lại nhằm gắn kết quan hệ huyết thống. Dòng họ đặt phần thưởng: Nếu đỗ tiến sĩ thưởng chữ “Nguyễn”, đỗ thạc sĩ thưởng chữ “Phúc”. Còn với họ Hoàng, trong Ngày hội Khuyến học của dòng họ Hoàng, sau lễ tế tổ, một tiến sĩ khoa học của dòng họ đã truyền lại cho con cháu mình ý chí vươn lên, quyết tâm vượt khó và phương pháp học tập của mình để đạt được kết quả.
Giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên
Để phát huy truyền thống hiếu học, gắn với thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy cho biết, quận ủy đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn rà soát, lựa chọn và triển khai xây dựng mô hình điểm gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn.
Trước hết, trong năm 2021, Đảng ủy phường Yên Hòa đã ban hành Đề án số 01-ĐA/ĐU ngày 29/4/2021 về giáo dục truyền thống “Làng khoa bảng, đất tứ danh hương” trong học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn phường với những nội dung cụ thể, phù hợp. Đề án đã được triển khai sâu rộng tới các chi bộ, tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà trường, Hội Khuyến học, các dòng họ và đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy báo cáo về việc thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU trên địa bàn quận. |
Để duy trì hoạt động này, năm 2022, quận ủy đã ban hành kế hoạch sinh hoạt chuyên đề giáo dục truyền thống “Làng khoa bảng, đất tứ danh hương” cho học sinh trường THCS Yên Hòa. Theo đó, Hội Khuyến học và Đoàn Thanh niên phường đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường THCS Yên Hòa tổ chức thực hiện rộng rãi trong học sinh, được đông đảo các em học sinh hưởng ứng tham gia.
Năm 2023, Đảng ủy phường đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống Làng khoa bảng trong học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn phường, như: Tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề: “Lan tỏa tri thức - kết nối tương lai” kết hợp với tuyên truyền về truyền thống “ Làng khoa bảng - đất tứ danh hương”.
Đáng nói là, Đoàn Thanh niên phường đã tích cực phối hợp với BGH các trường Tiểu học An Hòa, Tiểu học Nam Trung Yên và THCS Yên Hòa tổ chức cho các em học sinh tham gia chương trình tham quan thực tế, tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử tại các di tích, nhà thờ, dòng họ trên địa bàn phường (đình Hạ Yên Quyết, đình An Hòa, nhà thờ dòng họ Nguyễn Như Uyên, dòng họ Nguyễn Vân Sơn và dòng họ Hoàng).
“Thông qua chương trình đã giúp cho học sinh nắm bắt được lịch sử của địa phương, truyền thống của các dòng họ và đặc biệt là truyền thống hiếu học của người dân Yên Hòa, từ đó khơi dậy niềm tự hào và động viên các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường phát huy tinh thần hiếu học của địa phương” – ông Chiến nhấn mạnh.
Có thể nói, việc lựa chọn mô hình giáo dục truyền thống “Làng khoa bảng, đất tứ danh hương” trong học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn phường Yên Hòa đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ thấm nhuần truyền thống tốt đẹp của địa phương, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng về ý thức bảo vệ, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp. Điều này không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ ý thức, tinh thần học tập nâng cao kiến thức, trình độ văn hóa, chuyên môn để xây dựng địa phương thực sự xứng đáng với tầm vóc của địa phương là một trong “Tứ danh hương” của Thăng Long - Hà Nội mà còn góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hoàn thành vượt mức nhóm chỉ tiêu phát triển văn hóa, thể thao theo Chương trình 06/Ctr-TU mà thành phố đã đề ra.
Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”, quận Cầu Giấy đã vượt chỉ tiêu về nhóm phát triển văn hóa. Cụ thể, năm 2021: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 93,7%; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 90,79%, có 68 đơn vị được UBND Thành phố công nhận lại “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”. Năm 2022: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 92,59%; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 93,86%; có 2 đơn vị được công nhận lần đầu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”. |