Ký sự xã đảo Minh Châu sau cơn lũ

Bài 3: Viên ngọc lại sáng trong lòng sông Mẹ

Cơn lũ vừa rút, bùn đất vẫn còn lấm lem trên ngọn cây dướng bên bờ sông Hồng, nhưng người dân xã Minh Châu đã bắt tay tái thiết cuộc sống. Ý chí và nỗ lực của những người dân xã đảo giúp họ sớm phục hồi sản xuất, sinh hoạt. Trong ánh nắng cuối thu, nơi đây lại sáng lấp lánh trên mênh mang mặt nước dòng sông mẹ.
Bài 2: Cây đổ rồi, chồi lại lên xanh Bài 1: Những ngày xã đảo dập dềnh trong biển nước “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” dành tặng học sinh Lào Cai

Mùa trăng yêu thương

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong mấy chục năm bền bỉ, xã đảo Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) hiện nay có hệ thống trường từ mầm non đến trung học cơ sở. Xã chưa có trường trung học phổ thông, hàng ngày, khoảng 400 học sinh phải đi qua phà để sang “đất liền” cõng chữ về đảo.

Thầy giáo Nguyễn Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Châu thừa nhận rằng, điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh vẫn còn nhiều thiếu thốn. “Song không vì hạn chế về vật chất, địa lý mà các con không được tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của nhà trường và phụ huynh để phát triển cả về thể chất, tri thức và tinh thần”, thầy Nguyên Khôi bộc bạch.

Lãnh đạo UBND huyện Ba Vì mang quà trung thu đến với trẻ em xã Minh Châu
Lãnh đạo UBND huyện Ba Vì mang quà trung thu đến với trẻ em xã Minh Châu

Đợt lũ lịch sử vừa qua là phép thử đối với nỗ lực, quyết tâm của thầy cô, phụ huynh tại xã đảo Minh Châu. Những ngày lũ ấy, bên cạnh việc bảo vệ tài sản, hoa màu, vật nuôi, xã Minh Châu còn lo lắng với việc học của các con. Thầy cô không thể đến trường, khắp nơi là cảnh cây đổ, nước ngập. Xã đành quyết định cho các con học trực tuyến.

Thầy Nguyễn Khôi cho hay: “Việc tổ chức học trực tuyến cho các con rất khó khăn. Trường chỉ còn 3 giáo viên ở tại địa bàn. Phụ huynh thì còn đang bận lo cho đàn bò, ruộng chuối. Điện chập chờn, mạng internet trục trặc. Giáo viên và các con cùng nhau cố gắng để tiếp tục việc học. Trong lúc thiên tai, bão lũ, các con vẫn muốn được truyền thụ tri thức, đó là điều đáng quý nhất”.

Đáng chú ý hơn, đợt cao điểm lũ trùng với Tết Trung thu, dịp lễ hội vẫn được cho các cháu thiếu nhi. Trong điều kiện hoàn cảnh thiếu thốn và căng mình chống lũ, xã Minh Châu vẫn tìm cách để thiếu nhi không chịu thiệt thòi.

Bài 3: Viên ngọc lại sáng trong lòng sông Mẹ
Công an huyện Ba Vì tặng quà cho trẻ em xã Minh Châu

Ông Nguyễn Danh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho hay, với các nguồn lực của địa phương, cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể, các nhà mạnh thường quân, xã Minh Châu đã lên kế hoạch để tổ chức chương trình Trung thu cho các cháu thiếu nhi đảm bảo đầy đủ, thắm đượm tình cảm và yêu thương.

Được biết, với mong muốn giúp các em có một mùa trăng vẹn tròn, ý nghĩa, đoàn thể Công an huyện Ba Vì phối hợp các mạnh thường quân tổ chức trao tặng 150 suất quà cho các em nhỏ xã Minh Châu gồm bánh trung thu, đèn ông sao, nhu yếu phẩm cần thiết, sách vở,....

Những món quà Trung thu tuy không lớn nhưng đã góp phần động viên tinh thần, khích lệ các em vượt qua khó khăn. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của đoàn thể Công an huyện Ba Vì, chùa Đông Các và các mạnh thường quân dành cho trẻ em vùng lũ, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các em vươn lên trong học tập.

Bên cạnh các phần quà vui Tết Trung thu, tuổi trẻ Công an huyện Ba Vì cũng tiến hành song song các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 3, như: Gặp mặt, thăm hỏi và động viên các em thiếu nhi phải di dời cho ảnh hưởng mưa bão; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các em có thêm điều kiện học tập, sinh hoạt, ổn định cuộc sống; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách, vở, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho các em thiếu nhi nhanh chóng quay trở lại trường học.

Phấn đấu vì ngày mai

Còn nhớ, trong lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Tản Lĩnh, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nói, học sinh của Ba Vì có thể xa về địa lý, nhưng không khác biệt về trình độ so với học trò tại khu vực trung tâm.

Với tinh thần ấy, thầy giáo Nguyên Khôi vui mừng chia sẻ, từ ngày 13/9, nhà trường đã tổ chức đón học sinh đến trường để giảng dạy trực tiếp. Các thầy cô giáo từ những địa phương xa xôi như Sơn Tây, Thạch Thất vượt quãng đường vài chục km, cùng với chuyến phà chòng chành trên dòng nước lũ để lên lớp. Đó chính là tình yêu, trách nhiệm vô bờ.

Những mầm non của xã đảo
Những mầm non của xã đảo

Thăm một lớp của Trường Tiểu học xã Minh Châu, các con không đồng phục tinh tươm, nhưng lại chứa chan nụ cười trong sáng, hạnh phúc. Sau những ngày lũ, học sinh của Minh Châu dường như càng ý thức hơn về những khó khăn, thua thiệt mà các em phải đối mặt. Song, bằng tình yêu thương học trò và nỗ lực của các thầy cô giáo, nhà trường đã và đang từng bước xoá nhoà khoảng cách để các con tự tin tiến bước.

Phó Chủ tịch xã Minh Châu Nguyễn Thanh Hưng cho biết, do đặc điểm khác biệt của xã đảo, theo định hướng của thành phố, xã sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, giảm dần số hộ chăn nuôi, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hiện xã xây dựng đề án với cơ chế đặc thù dành riêng cho xã đảo như đầu tư giao thông nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chính sách giảm học phí, hỗ trợ phí phà qua sông đối với học sinh và khuyến khích giáo viên đến dạy tại xã; xây dựng cầu nối xã Minh Châu với xã An Tường, tỉnh Vĩnh Phúc...

Bài 3: Viên ngọc lại sáng trong lòng sông Mẹ
Viên ngọc sáng giữa lòng sông Hồng

Chia tay Minh Châu trên chuyến phà cuối ngày, ánh nắng chiều loang loáng trên mặt nước, phản chiếu màu vàng rực rỡ khiến xã đảo nổi bật như viên ngọc sáng giữa lòng sông Mẹ.

Hy vọng rằng, với nỗ lực của chính quyền và Nhân dân xã đảo, cùng với tinh thần lạc quan, quyết tâm vô cùng lớn, địa phương này sẽ sớm phát triển xứng đáng với tiềm năng, trở thành viên “minh châu” thực sự của Thủ đô.

Tháng 2/2023, trong chuyến thăm và làm việc tại xã Minh Châu, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho rằng, trước mắt huyện Ba Vì cần xây dựng đề án nêu rõ những cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TP để qua đó giúp xã Minh Châu phát triển hơn nữa.
Bài 3: Viên ngọc lại sáng trong lòng sông Mẹ
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong hăm và làm việc tại xã Minh Châu

Trong đó, chính quyền địa phương cần chú trọng xây dựng quy hoạch xã, dựa vào các căn cứ khoa học và dự báo phát triển của một xã đảo của vùng văn hóa xứ Đoài. Trên cơ sở quy hoạch này, huyện Ba Vì cần cập nhật vào quy hoạch của huyện và TP, trong đó chú ý đến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê kè vùng lũ.

Từ thực tế phát triển của xã đảo đặc thù, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu chính quyền địa phương chú trọng đến công tác quy hoạch xây dựng, gắn với phát triển du lịch địa phương, để vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn giữ được cảnh quan nông thôn, không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phải xác định rõ từng lợi thế và khó khăn để mỗi người dân hiểu và đồng lòng triển khai thực hiện.

Vũ Cường
Phiên bản di động