Bài 2: Cây đổ rồi, chồi lại lên xanh
Bài 1: Những ngày xã đảo dập dềnh trong biển nước |
“Vẫn chịu được nhiệt”
Ngày thứ 4 sau khi xã đảo Minh Châu kết nối trở lại với đất liền, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn bộn bề lo toan. Con người không sợ đói, nhưng đàn bò 4.500 con đang lo thiếu cỏ, do 168ha cỏ sữa đã bị nước lũ nhấn chìm. Diện tích chuối, rau màu, hành lá, cây ăn quả cần sớm được gieo trồng trở lại nhằm đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân.
Trong không khí khẩn trương giống như một công trường rộn rã, người viết cảm nhận rõ ràng sức chịu đựng bền bỉ, kiên gan và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ của những người dân xã đảo.
Bà Nguyễn Thị Khanh ở khu 3, xã Minh Châu lạc quan dù bị thiệt hại không nhỏ do mưa lũ |
Ví như trường hợp của bà Nguyễn Thị Khanh ở khu 3, xã Minh Châu. Trong số các mô hình làm nông nghiệp mà người viết ghi nhận tại địa phương này, cơ ngơi của gia đình bà Khanh thuộc loại được đầu tư bài bản, công phu nhất, tức là tốn kém nhất. Gia đình bà dựng cọc bê tông trên diện tích khoảng hơn 1 mẫu, sau đó, kết nối bằng dây thép để tạo giàn cho cây mướp, su su và bí xanh. Bà đầu tư hệ thống tưới tự động, máy cắt cỏ, máy cày, máy bơm khá đầy đủ.
Những trái mướp héo rũ do ngập lụt |
Đợt lũ vừa rồi, nước dềnh lên tận bãi, máy bơm của gia đình bà Khanh hoạt động hết công suất, nhưng sức người quá nhỏ bé so với với sức mạnh của thiên nhiên. Giống mướp và su su không chịu được úng. Do đó, hơn một mẫu mướp và su su đến độ thu hoạch bị thối gốc, lá vàng vọt rồi rụng xuống, trong khi quả teo tóp đen thùi lùi cứ bám vắt vẻo trên cây như thi gan với nông dân.
Đón người viết đến ghi nhận tại vườn, bà Khanh ngỡ rằng cán bộ đi kiểm kê thiệt hai, có chăng hỗ trợ gì đó. “Gia đình tôi chả mong muốn gì đâu, khả năng vẫn chịu được nhiệt”, bà Khanh cười khẳng khái, mấy cái tóc bạc lơ phơ bay lả tả trên khuôn mặt có nhiều nét khắc khổ. Ngẫm nghĩ một lát, bà nói thêm: “Kể ra cũng thiệt hại, nhưng thôi, nếu có cái phần Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ thì nhường cho nhà khác. Nhà tôi vẫn chịu được”.
Lũ rút để lại phù sa |
Thoăn thoắt trồng những cây cải non xanh mướt mát, bà Nguyễn Thị Dụ (67 tuổi) cũng có một lý giải rất lạc quan: “Trồng rau ít tốn kém hơn. Ngoài chi phí làm đất, bón gio, cây giống, thì hầu như không phải bỏ thêm tiền. Chỉ mất công thôi. Vì thế, những nhà trồng chuối, trồng cây ăn quả mới là thiệt hại nặng nề”.
Lãnh đạo xã Minh Châu cũng lạc quan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng thẳng thắn: “Đợt bão lũ vừa qua, xã chịu thiệt hại về vật chất rất lớn. Bản thân tôi trưởng thành từ cán bộ ngành nông nghiệp, nên tôi hiểu lắm những vất vả của người nông dân. Tuy nhiên, lũ cũng mang đến phù sa, tẩy rửa đất và tiêu diệt các mầm bệnh ẩn trong lòng đất. Nhìn từ một góc độ nào đó, nếu bà con tận dụng tốt cơ hội này, thì cũng có thể nâng cao năng suất, giảm chi phí phân bón, chi phí cải tạo đất”.
Bám đất, bám đảo
Theo cán bộ nông nghiệp Hán Văn Thắng đi một vòng xã đảo Minh Châu, đâu đâu cũng thấy bà con làm đất, gieo trồng, xuống giống. Chị Vũ Thị Liên cùng chồng vay mượn được mấy chục triệu, lại mua giống hành và thuê nhân công trồng cấy.
Còn bà Nguyễn Thị Khanh cẩn thận ươm mầm bí xanh, sẵn sàng cho vụ trồng cấy mới. Trong khi đó, những gia đình chăn nuôi bò sử dụng thân chuối làm thức ăn cho bò, đây là giải pháp cấp bách tạm thời nhằm đảm bảo thực phẩm cho đàn gia súc.
Khi những thân chuối đã được đốn hạ để làm thức ăn cho bò, từ gốc cây lại nảy lên mầm xanh. Giữa hàng chuối, người nông dân vãi hạt cải. Mầm non nhú li ti, hứa hẹn ngày thu hoạch không xa. Sinh khí và sức sống ngùn ngụt trên những cánh đồng, nơi vài ngày trước còn bị chìm trong nước lũ.
Xanh những mầm xanh |
Dù mới hơn 30 tuổi, anh Hán Văn Thắng đã có dáng vẻ thủng thẳng, bình yên của một người đã trải qua nhiều sóng gió.
Anh chậm rãi kể: “Con người xã Minh Châu là như vậy. Chúng tôi đã quen với khó khăn, vất vả. Năm 2000, Minh Châu là xã cuối cùng của tỉnh Hà Tây (trước kia) có điện lưới quốc gia; năm 2005 mới có sóng điện thoại và tận 2015 - 2016 mới phủ sóng mạng internet theo đường truyền từ Vĩnh Phúc. Con đường “huyết mạch” giúp Minh Châu hòa nhập với các vùng lân cận được nối từ xóm 1 của xã sang huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, con đường ấy chỉ thuận tiện vào mùa khô, mùa mưa lũ sẽ bị ngăn chặn bởi đập tràn. Bởi vậy, giữa thời buổi này, bà con vẫn phải duy trì việc tích trữ, tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm”.
Minh Châu gượng dậy sau bão lũ |
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng bùi ngùi tâm sự: “Chúng tôi sinh ra trong những gia đình đã bơi thuyền vượt sông Hồng sang bãi bồi này lập nghiệp từ năm 1955.
Năm nào cũng lũ, cũng bị thiên nhiên rèn luyện. Nhà nào cũng dự trữ sẵn thuyền nhỏ phòng khi lũ lụt. Vì thế, người dân xã Minh Châu kiên cường trước thiên tai. Bám đất, bám đảo, bám lấy cuộc sống cho gia đình, con cái là điều hiển nhiên đối với người dân xã Minh Châu”.
Nỗ lực và ý chí của những người dân Minh Châu đã không uổng phí. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương này đã “thay da đổi thịt” nhờ triển khai hiệu quả các mô hình nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước đạt 232,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị nông nghiệp của xã ước đạt 153 tỷ đồng. Xã đảo Minh Châu đang dần toả sáng như viên ngọc giữa lòng sông Hồng.
Bài 3: Viên ngọc lại sáng trong lòng sông Mẹ