Bài 1: Những ngày xã đảo dập dềnh trong biển nước
Những vườn đào tiền tỷ giờ chỉ còn lại đống hoang tàn |
Mưa lốc, bão nổi và cơn giận dữ của thiên nhiên
Sáng 19/9, nhân chuyến công tác để lấy tư liệu về việc khắc phục hậu quả sau mưa bão tại Ba Vì (Hà Nội), người viết nảy ra ý định thăm xã đảo Minh Châu, địa phương đã bị cô lập do bão số 3 và hoàn lưu từ ngày 10/9.
Qua điện thoại, giọng ông Nguyễn Danh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu rổn rảng: “Nước đã rút nhiều rồi nhà báo ạ. Huyện đã cho phép vận hành lại đò ngang sông từ hôm qua. Tuy nhiên, các phương tiện trọng tải lớn phải di chuyển theo đường đập tràn từ xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Như vậy cũng coi như xã chúng tôi không còn bị “cô đơn” nữa”.
Minh Châu là xã đảo duy nhất của Hà Nội |
Chuyến phà trưa từ xã Chu Minh sang đảo Minh Châu lèo tèo chừng chục người. Hỏi ra thì toàn bà con nông dân mang nông sản ra thị trấn Tây Đằng buôn bán.
“Vừa rồi nước dâng cao, ngập trắng nhiều diện tích rau xanh. Chúng tôi góp nhặt chút ít còn lại, đem bán để lấy tiền trang trải cuộc sống”, một người đàn bà có khuôn mặt ngăm đen và rất nhiều vết chân chim trên khoé mắt chép miệng than thở. Nghe đến đó, cả chuyến phà lặng im.
Từ trên phà, phóng tầm mắt ra xa, xã Minh Châu như nổi trên mặt nước sông Hồng. Thực ra, xã này nằm ngay phía dưới điểm hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô, cách trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chưa đầy chục cây số, nhưng đời sống lại cách biệt nhiều với các địa phương khác.
Bão và lũ quật đổ những cánh đồng trồng chuối tại xã Minh Châu (ảnh chụp ngày 10/9) |
Đến nay, nhiều diện tích chuối vẫn đang chết dần |
Xã Minh Châu thành lập từ năm 1955 với ba thôn: Chu Chàng, Chu Châu và Liễu Châu. Sau trận đại hồng thuỷ năm 1971, thôn Liễu Châu sáp nhập với thị trấn Tây Đằng. Do đó, Minh Châu hiện chỉ còn hai thôn với diện tích tự nhiên hơn 563ha, dân số hơn 6.545 khẩu, chủ yếu trồng rau, nuôi bò.
Phà chầm chậm tiến sát bờ, trong mắt của những người dân đều hiện lên vẻ xót xa khi chứng kiến những cánh đồng chuối bạt ngàn đổ ngang thân, đang dần héo rũ. Thấp thoáng phía sau lại là các dàn mướp, dàn su su đã rụng hết lá, quả tóp teo, vàng vọt. Nhiều thửa đất vốn xanh mượt rau, cà, hành … hiện tại chỉ trơ màu xám xịt. Buồn đến rũ rượi.
Vệt bùn trên cây dướng cao đến 7m cho thấy mực nước sông dâng rất cao |
Kể về đợt bão lũ vừa qua, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng chầm chậm nói: “Dân xã đảo đã quen với bão, với lũ. Năm nào chúng tôi cũng hứng chịu bão đập, sóng đánh, nước dâng, và chia cắt với đất liền.
Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đến quá dồn dập. Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ hôm 7/9, gió lốc vừa mưa lớn đã quật gẫy ngang thân hàng chục ha chuối đang có trái của bà con. Đến mùng 9/9, nước lũ dâng nhanh chóng. Mỗi ngày, nước lên mấy chục cm. Buổi sáng 10/9, nước còn mấp mé bờ ruộng rau màu, đến chiều, nước đã nhấn chìm cánh đồng. Thế nước chảy siết, cuốn theo rác rưởi và gỗ mục lao vun vút. Vì thế, huyện đã quyết định tạm ngừng hoạt động của phà. Đập tràn bên phía Vĩnh Tường cũng chìm sâu trong nước”.
Chuyến phà cuối cùng trong ngày 10/9 rời xã Minh Châu là hành trình “đặc biệt”. Trên phà chở theo mấy chục thầy cô giáo của Trường Tiểu học Minh Châu và Mầm non Minh Châu. Với đặc thù về địa lý của xã đảo Minh Châu, hầu hết các thầy cô giáo đều sinh sống trong “đất liền”. Hàng ngày, họ “cõng chưa qua sông”, vượt sóng nước đến với học sinh. Bữa đó bão lũ, nhà trường kết thúc giảng dạy sớm hơn thường lệ để các thầy cô vội vã ra về.
Xã đảo Minh Châu chính thức bị cô lập từ hôm đó…
Nông dân vất vả quá
Anh cán bộ nông nghiệp Hán Văn Thắng nhận lời đưa người viết đến thăm những người nông dân vừa vượt qua cơn lũ dữ. Vòng vèo qua những con đường nửa bê tông, nửa vẫn còn lổn nhổn sỏi và lầm lũi bùn đất, anh Thắng vừa nói rành rẽ như đọc báo cáo từ trong trí nhớ: “Đợt lũ này, may mắn là xã Minh Châu không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp do xã quản lý ngập gần 300ha, trong đó, nặng nề nhất là diện tích cỏ sữa (khoảng 166ha), chuối và cây ăn quả (40ha), rau màu (58ha). Nhiều gia đình mất trắng, ví như nhà bà Khang Vỏ, nhà chị Vũ Thị Liên, gia đình bà Nguyễn Thị Khang…”.
Chị Vũ Thị Liên (khu 1, xã Minh Châu) thẫn thờ trên cánh đồng trồng hành lá |
Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Liên trên cánh đồng trồng hành lá. Đúng hơn, thửa đất hơn 2 mẫu này vốn được chị Liên đầu tư cả trăm triệu đồng trồng hành, song hiện nay, đó là một khoảng đất trống trơ trọi. Từ sáng 10/9, khi nghe tin lũ về, chị nhờ cậy 15-16 người trong xã hỗ trợ nhổ hành, song nước lên quá nhanh, nỗ lực của từng ấy người chỉ là bỏ sông bỏ bể.
“Nước lên nhanh quá anh ạ. Chúng em chạy thi với nước mà không kịp. Từ sáng đến chiều, mấy mẫu hành đã nằm trong biển nước mênh mông”, chị Liên quệt mồ hôi trên trán, thở than: “Vài tháng trước, nước cũng ngập, chúng em cũng mất trắng. Đợt này đang gieo cấy lại, chúng em ôm bao nhiều hi vọng. Bây giờ chả còn gì. Nông dân vất vả quá, anh ạ!”.
Phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô lắng nghe chia sẻ của chị Liên |
Cách ruộng của chị Liên không xa, bà Nguyễn Thị Dụ (67 tuổi) lầm lụi trồng rau. Ở độ tuổi gần thất thập, người phụ nữ này vẫn ngày ngày ký thác sinh cơ vào 4 sào ruộng rau. Vụ trồng cải, vụ trồng cà. Đến vụ đông lại xoay sang trồng lơ.
“Ruộng này trồng cải hồng-kông, đúng ra đến độ cắt được rồi, nhưng lũ vào, không kịp cắt. Thế là mất hết. Ở đồng trên, tôi mất sào mười trồng cà. Hiện giờ vẫn chưa nhổ cây, cứ phơi ở đấy”, bà Dụ nói.
Những ngày lũ ấy, bên cạnh việc bảo vệ tài sản, hoa màu, vật nuôi, xã Minh Châu còn lo lắng với việc học của các con. Thầy cô không thể đến trường, khắp nơi là cảnh cây đổ, nước ngập, xã đành quyết định cho các con học trực tuyến.
Thầy Nguyễn Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Minh Châu, cho hay: “Việc tổ chức học trực tuyến cho các con rất khó khăn. Trường chỉ còn 3 giáo viên ở tại địa bàn. Phụ huynh thì còn đang bận lo cho đàn bò, ruộng chuối. Điện chập chờn, mạng internet trục trặc. Giáo viên và các con cùng nhau cố gắng để tiếp tục việc học. Trong lúc thiên tai, bão lũ, các con vẫn muốn được truyền thụ tri thức, đó là điều đáng quý nhất”.
Bài 2: Cây đổ rồi, chồi lại lên xanh