Bài 3: Người dân đồng lòng, đồng thuận
Người dân phấn khởi với diện mạo mới của phố đi bộ Trịnh Công Sơn Người dẫn chương trình đầu tiên do AI tạo ra Tấm lòng của những người dân bàn giao đất trước khi nhận đền bù |
Người vi phạm đã thấy “ngại”
Chẳng phải nói đâu xa, trong lần gần nhất bị phát hiện có nồng độ cồn trong khí thở khi điều khiển ô tô tại nút giao Khúc Thừa Dụ - Thành Thái, anh Nguyễn Đình B (sinh năm 1984, ở Thanh Oai, Hà Nội) vẫn chưa hết “ngại” khi trao đổi với PV Tuổi trẻ Thủ đô.
Anh B vui vẻ chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác do tự tin chỉ uống rượu từ tối hôm trước song đến tận tối hôm sau, trong hơi thở vẫn có nồng độ cồn |
Anh B nhớ lại: "Khoảng 22h, ngày 20/3, tôi đi giao hàng cho khách. Đến nút giao Khúc Thừa Dụ - Thành Thái thì gặp tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
Tôi khá tự tin và chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng vì cả ngày hôm nay tôi không động đến một giọt bia, rượu nào. Tuy nhiên, khi máy đo hiện lên số nồng độ cồn vượt quá 0,25miligam/lit khí thở, tôi mới giật mình nhớ lại trận rượu “nằm bẹp” đêm hôm trước.
Gọi điện cầu cứu không được, lại để khách nữ đợi lâu, mất uy tín với cả công ty lẫn khách hàng, tôi chỉ muốn có chỗ độn thổ cho xong”, anh B cười buồn.
Anh Q tỏ ra rất hối hận vì là người hiểu rõ quy định về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông song vẫn vi phạm |
Trước đó, anh Q (Hoàng Mai, Hà Nội) như đã nói ở bài trước, cũng đã bị phát hiện, lập biên bản xử phạt vì lỗi nồng độ cồn. Làm ở một cơ quan thực thi pháp luật, mặc dù biết có những lý do bất khả kháng nhưng chính lần bị “bắt cồn” này đã tác động mạnh lên suy nghĩ của anh Q.
“Tôi không thể vì cái sai của mình mà làm liên luỵ đến cả anh em khác được. Còn việc tôi chưa nhanh chóng vào làm việc với CSGT Công an quận Ba Đình, cán bộ Công an phường Điện Biên là vì quá ngại, sợ mình đang có bia rượu sẽ có những từ ngữ, hành động không chuẩn mực. Tuy nhiên, các anh cũng nhẹ nhàng phân giải và yêu cầu tôi ký vào biên bản xử phạt. Đây sẽ là bài học sâu sắc cho cá nhân tôi về sau”, anh Q nói.
Những trường hợp như anh Q, anh B không phải là hiếm trong chiến dịch nâng cao ý thức người dân về tham gia giao thông “không rượu, bia”. Bởi trong chiến dịch, dù là nam hay nữ, hễ tham gia giao thông là phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về nồng độ cồn.
Câu nói trên là có cơ sở khi trong dịp cuối tháng 3, Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà N.T.K.L (sinh năm 1961, ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) vì lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy.
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của Tổ công tác liên ngành Công an TP Hà Nội |
Bà N.T.K.L chia sẻ: “Có việc vui của gia đình nên tôi uống chút rượu thôi. Không nghĩ phụ nữ cũng bị thổi nồng độ cồn nên khi thấy mình vẫn chưa say lắm, tôi đã tự điều khiển xe máy về nhà. Trên đường về, tôi gặp tổ công tác Y3/141 Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tại quận Ba Đình.
Thời điểm kiểm tra, tôi có nồng độ cồn mức dưới 0,25 miligram/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe (10 tháng) và xử mức phạt 2,5 triệu đồng. Sau đó ít hôm, tôi đã hoàn thành việc nộp phạt và làm thủ tục nhận phương tiện về.
Nói thật, giờ tôi vẫn còn thấy xấu hổ khi mình có tuổi rồi mà vẫn bị vi phạm nồng độ cồn, lại là phụ nữ nữa. Đúng là chỉ một phút chủ quan, hình ảnh nghiêm túc, chấp hành luật của mình coi như mất luôn. Sau đó tôi cũng về nhà, lấy vi phạm của mình làm bài học để răn đe bản thân, nhắc nhở gia đình và con cái không vi phạm”.
Không chỉ thấy tiếc, nhiều người đã từng vi phạm về nồng độ cồn đều cảm thấy ái ngại khi mình bị “dính cồn”. Đa số họ đều chấp hành các quy định của lực lượng chức năng và răn mình “sẽ không bao giờ có lần sau”.
Người thân bớt lo
Đầu tháng 2 vừa qua, Bùi Xuân Q (20 tuổi ở Bắc Ninh) vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, đa chấn thương. Các bác sĩ tuyến tỉnh nhận định bệnh nhân rất nặng nên đã chuyển ngay lên tuyến trên.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Bệnh nhân Q có nồng độ cồn gần 30mg/100ml máu dẫn tới chức năng đông máu kém ảnh hưởng tới quá trình điều trị, hồi phục chậm hơn. Bệnh nhân sử dụng rượu bia với nồng độ lớn khiến men gan cao nên cần được điều trị hồi sức vài hôm tới khi bệnh nhân ổn định mới phẫu thuật.
Anh Q trong vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, đang được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phân tích tình trạng |
Rất may sau đó, anh Q được phẫu thuật kịp thời và ra viện vào đúng ngày 30 Tết. Tuy nhiên, anh Q còn phải trải qua thời gian tập vận động phục hồi chức năng cả năm để đôi chân khỏe mạnh trở lại.
Mẹ của anh Q nhìn con vừa lắc đầu vừa không ngăn được những giọt nước mắt trực trào. Bà M chia sẻ: "Con dại cái mang, giờ nhìn những lúc đau nhức chân, Q khóc mà vừa muốn mắng vừa thấy thương. Cũng may là nó giữ được tính mạng. Từ giờ chắc nó sẽ không dám uống bia rượu rồi đi xe máy nữa. Tôi và gia đình cũng bớt phần nào lo lắng".
Không được may mắn như gia đình nhà bà M, sau 3 tháng chạy theo chồng, theo con chạy chữa ở khắp các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, chồng của chị N.T.Q (ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã bỏ lại vợ trẻ, hai đứa con thơ và gia đình sau vụ tai nạn giao thông.
Chuyện của anh H (chồng chị Q) không ai muốn nhắc lại song lại là bài học đau xót để gia đình chị Q nhớ mãi và nhắc cho con cái. Giờ anh H đã mất được hơn 100 ngày, chị Q mới dám nhìn thẳng vào sự thật để đưa câu chuyện của chính gia đình mình ra cảnh tỉnh cho những người vẫn chủ quan uống rượu say sau đó tham gia giao thông.
Chị Q chia sẽ, anh H là cán bộ trẻ của một đơn vị gần nhà. Do thói quen, hằng ngày anh H đều uống rượu. Tuy nhiên, lần gần nhất, vừa tiếp khách, lại vừa uống quá nhiệt tình, nên trên quãng đường về nhà, anh H đã tự gây tai nạn và ngã đa chấn thương. Khi mọi người phát hiện anh H ngã ở lề đường, đưa đi cấp cứu thì tình trạng đã quá nặng. Mọi người trong gia đình lo lắng, dồn hết tiền bạc, tâm sức để mong có phép màu cứu sống anh H. Tuy nhiên, trải qua 2 lần mổ não, những cơn sốt không dừng… anh H đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Chị Q nhìn lên bàn thờ với tấm ảnh chồng còn rất mới. Nước mắt đã lặn vào trong. Chị nói giọng trầm, nghẹn đắng: “Giờ tôi cũng chẳng còn cơ hội để khuyên nhủ chồng uống ít rượu nữa. Nỗi đau nào cũng phải qua đi. Tôi còn hai con trai, giờ còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nhưng tôi sẽ theo sát, khuyên nhủ con lấy bài học đau xót của gia đình ra để tự biết sống sao cho người thân không phải lo lắng, bản thân mình sẽ được an toàn, hạnh phúc.
Tôi cũng tin rằng, những gia đình có người thân là nạn nhân của tai nạn giao thông, nhất là nguyên nhân do rượu bia sẽ giáo dục người thân, con cái không bao giờ đi vào “vết xe đổ” của người trước. Có như vậy, chúng ta mới an toàn, hạnh phúc”.