Bài 3: Làm nghiêm để đảm bảo an toàn cho con trẻ
Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Bài 2: Học sinh lớp càng lớn, ý thức càng kém Bài 1: Khi phụ phuynh thờ ơ… |
Trường học cần duy trì thường xuyên, liên tục
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, trong đó có tới hơn 30% nạn nhân ở lứa tuổi đang đi học. Điều này cho thấy công tác bảo đảm ATGT học đường chưa thực sự khả quan. Tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện, dàn hàng ngang trên đường, phóng nhanh, vượt ẩu còn phổ biến. Nhiều em thiếu các kỹ năng quan sát, lái xe, phòng ngừa tai nạn giao thông trên đường… khiến hiểm họa tai nạn giao thông luôn rình rập. Chính vì vậy, bảo đảm trật tự ATGT trường học phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bên cạnh đó cần có sự vào cuộc tích cực của cả gia đình, nhà trường, ngành chức năng và toàn xã hội.
Cô trò trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng) tại Lễ ký cam kết Hưởng ứng Tháng An toàn giao thông 2019 |
Với mục đích thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cũng như xây dựng “Văn hóa giao thông” tại các trường học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành. Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học, phụ huynh ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định về ATGT. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường có hình thức kỷ luật cụ thể với những cá nhân vi phạm.
Dù vậy, tình trạng phụ huynh và học sinh đầu trần đi xe đạp điện, xe máy vẫn tràn lan, điều đáng nói là, nhiều em học sinh lớn còn đội mũ bảo hiểm đối phó để qua mặt cơ quan chức năng.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nhìn nhận, sự nguy hiểm nằm ở chỗ, các em học sinh cấp 2, cấp 3 vi phạm quy tắc ATGT như vượt đèn đỏ, kẹp 2, kẹp 3, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn… không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trái lại, có một số em cho rằng, đây là một trào lưu, mình không đi xe máy, xe điện tốc độ cao thì “lạc hậu”, “lạc loài”.
“Dù công tác giáo dục, tuyên truyền ATGT từ nhà trường những năm qua đã chú ý nhiều nhưng nếu chỉ có nỗ lực từ phía nhà trường là không đủ. Mỗi vị phụ huynh khi tham gia giao thông, cần ý thức được việc bảo vệ cho bản thân và gia đình an toàn. Đừng để đến khi con chúng ta ngước lên hỏi, “sao bố mẹ vượt đèn đỏ?”, “Sao bố mẹ không đội mũ bảo hiểm?”, lúc đó, chúng ta mới “sực nhớ” ra vị trí, vai trò là tấm gương để con trẻ soi vào” TS. Vũ Thu Hương nói.
Xử phạt và tuyên dương
ATGT học đường luôn là vấn đề nóng, nhất là khi mùa tựu trường đến. Theo thầy Dương Hai Bảy Mươi, hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên): “Trường tôi vẫn tuyên truyền thường xuyên vào thứ hai hằng tuần. Ngoài ra đầu năm có cam kết thực hiện tốt ATGT giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Công an quận, họ sẽ về trường tuyên truyền cho các em… Đặc biệt, tuần nào phía công an phường cũng vào cuộc, họ chốt ở cổng trường, phụ huynh, học sinh nào không đội mũ bảo hiểm đều bị nhắc nhở và ghi vào danh sách rồi gửi về trường.
Hình thức xử phạt ở trường tôi là, lần thứ nhất nhắc nhở, lần hai viết bản kiểm điểm, lần ba mời phụ huynh đến và hạ hạnh kiểm của tháng đó. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là chúng tôi tuyên truyền để phụ huynh và học sinh hiểu về việc đội mũ bảo hiểm là nhu cầu, là để bảo vệ tính mạng của họ, đó mới quan trọng. Nếu cứ vi phạm là phải xử lý nghiêm thì các em sẽ đội mũ để đối phó. Tôi mong muốn phụ huynh cộng tác với nhà trường giáo dục con mình để các em thấy được việc đội mũ bảo hiểm là nhu cầu của bản thân”.
Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám được giáo viên hướng dẫn cách đội mũ đúng cách |
Cô Nguyễn Thị Thu Hảo, hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám cho hay, trường có nhiều hình thức giáo dục ATGT cho học sinh. Cụ thể là tổ chức tặng mũ bảo hiểm cho 100% học sinh theo chương trình của Bộ GD-ĐT, hướng dẫn các con đội mũ đúng cách. Nhà trường cũng tuyên truyền về ATGT tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Lồng ghép các tiểu phẩm về ATGT, các trò chơi vào những tiết mục văn nghệ.
Đặc biệt, nhà trường còn thành lập “Biệt đội xanh” nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm, chấm điểm thi đua các lớp và tổng kết theo tuần. Khen thưởng kịp thời các lớp có 100% học sinh thực hiện tốt ATGT.
Ngoài ra, nhà trường còn phát động vẽ tranh “Chúng em với ATGT” và trao giải cho những bức tranh xuất sắc; phát động cuộc thi sáng tác khẩu hiệu và bài hát ATGT tới 100% học sinh toàn trường; Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi học kỹ năng sống, học sinh được trải nghiệm là những Tuyên truyền măng non…