Bài 20 – Quảng Nam: Lãnh đạo tỉnh nói gì với 1000 người dân đi đòi sổ đỏ
Ngày 10/5, hàng trăm người dân tiếp tục tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam cầu cứu. |
Đó là khẳng định của ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong buổi tiếp xúc với dân "bất đắc dĩ" (lần thứ 2) của lãnh đạo tỉnh này khi hàng trăm người dân tiếp tục kéo đến trụ sở UBND tỉnh cầu cứu vào ngày 10/5 vừa qua.
Ông Thu cho rằng, đối với vụ việc của Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam, tỉnh đã xác định cần phải làm gì với Công ty Bách Đạt An, cần làm gì với Công ty Hoàng Nhất Nam và ứng xử như thế nào đối với người dân. Vụ việc có quy mô lớn (liên quan đến hàng ngàn người dân –PV) nên tỉnh phải vào cuộc. Dù không báo cáo bà con bằng văn bản, giấy tờ, nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh vẫn đang làm. Việc tổ chức làm việc 4 bên dù chưa thực hiện được, nhưng trong một tháng vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã ngồi với từng bên liên quan, không phải chỉ có công an tỉnh mà thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ngồi làm việc với 2 doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ.
Ông Thu cho biết thêm, Công an tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần làm việc với đại diện Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam, sau đó sẽ thống nhất chung 2 bên, rồi mới ngồi chung 3 bên, 4 bên. Vì nếu chưa thống nhất các bên mà ngồi chung 4 bên thì chỉ cãi nhau cả buổi rồi đi về, chứ không có kết quả gì.
“Bây giờ bà con yêu cầu bao giờ ngồi lại, khi nào có bìa đỏ thì tỉnh Quảng Nam không trả lời được. Tỉnh vẫn đang cố gắng hoàn thiện các thủ tục pháp luật để chủ đầu tư làm, rồi mới giao sản phẩm ra. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bao gồm, Thường trực tỉnh ủy, Thường vụ tỉnh ủy, ủy ban và các Sở, ngành chứ không phải chỉ là sự vào cuộc đơn điệu của lãnh đạo UBND tỉnh đối với việc này”. – Ông Thu Nói.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu trong buổi tiếp xúc với người dân. (Ảnh: NĐ) |
Mặc dù chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc, Công an tỉnh cũng đã tiến hành làm việc với các bên liên quan như lời ông Thu nói. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua vụ việc vẫn đang dẫm chân tại chỗ, chưa đi đến thống nhất giữa các bên, vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa của chính quyền. Trong khi Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam thì vẫn đang tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho nhau ở Tóa án và chưa tìm được tiếng nói chung.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng: Vấn để ở đây là làm sao phải để 2 doanh nghiệp là Công ty Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An ngồi lại với nhau. Cần thiết 2 doanh nghiệp phải lấy tiền bù vào. Sau khi 2 doanh nghiệp thống nhất được tổ chức họp với bà con, nếu thấy giá đất thị trường cao thì có thể xin bà con, ai có điều kiện thì cho thêm bao nhiêu thì được bấy nhiêu, nhưng đó là trong trường hợp 2 doanh nghiệp này ngồi lại được với nhau. Chúng tôi đã làm việc với Công ty Hoàng Nhất Nam, đại diện của công ty này đề nghị Công ty Bách Đạt An kết giá đất, nhưng làm sao mà kết được vì tỉnh chưa đưa ra giá đất thì làm sao Bách Đạt An đưa ra được giá đất. Bây giờ 2 doanh nghiệp phải ngồi lại đồng hành với nhau để giải quyết. Khi nào chủ đầu tư tập trung đầu tư xong các hạng mục, hoàn thiện dự án và tính toán được giá đất, lúc đó bên nào lỗ bao nhiêu thì tự 2 doanh nghiệp phải giải quyết.
“Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang hết mình, nhưng còn phụ thuộc vào thiện chí, năng lực và nhiều yếu tố khác, liệu doanh nghiệp có thể giải quyết được như vậy hay không?. Nếu 2 bên kiên quyết không ngồi lại với nhau giải quyết để dự án bị “bể” thì lãnh đạo cả 2 công ty này sẽ đi tù”.- Ông Lợi nói.
Buổi tiếp xúc bất đắc dĩ lần thứ 2 của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với hàng trăm người dân đi đòi sổ đỏ. |
Cũng trong buổi tiếp xúc với người dân, Ông Phan Việt Cường, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam cũng cho rằng: Đối với vụ việc của Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam cần phải giải quyết theo đúng trình tự. Trước hết cần phải có kết quả giải quyết giữa Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An và các bên liên quan.
“Tỉnh Quảng Nam trong trường hợp này chỉ là “trọng tài” để giải quyết các mối quan hệ giữa bà con với Công ty Hoàng Nhất Nam, giữa Hoàng Nhất Nam và Công ty Bách Đạt An, nên tỉnh không khẳng định được điều gì vì còn phụ thuộc vào thiện chí và năng lực của 2 doanh nghiệp này. Tỉnh đang tập trung quyết liệt để giải quyết trên tinh thần tích cực, nên đề nghị bà con phải hết sức bình tĩnh”. – Ông Cường nói.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu trong buổi tiếp dân. (Ảnh: NĐ) |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin trước đó về 03 Dự án: Sakura (7b mở rộng); Hera Complex Reverside, Eco Future Parka tại KĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư.
Dù các dự án đều chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chưa có quyết định chủ trương đầu tư, chưa có quyết định giao đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất…), nhưng Chủ đầu tư là Công ty Bách Đạt An đã ký hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam tổ chức huy động vốn, phân phối đất nền cho hàng ngàn khách hàng và thu tiền tới 95% giá trị sản phẩm, với cam kết sau 1 năm ra sổ.
Vụ việc bắt đầu nóng lên từ những ngày cuối năm 2018, khi Chủ đầu tư là Công ty Bách Đạt An đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam, khiến 1000 người dân trên khắp cả nước đã mua đất nền tại các dự án này có nguy cơ không lấy được sổ đỏ.
Để bảo đảm quyền lợi của mình, hàng trăm người dân nhiều lần kéo tới 2 công ty và nhà riêng của bà Hoàng Thị Kim Châu (GĐ Công ty Bách Đạt) để đòi sổ đỏ, đồng thời tố cáo 2 doanh nghiệp này lừa đảo. Thậm chí hàng trăm người dân còn tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam để cầu cứu, gây áp lực cho lãnh đạo tỉnh.
Hàng trăm người dân chờ trước cửa nhà bà Hoàng Thị Kim Châu (GĐ Công ty Bách Đạt) yêu cầu bà Châu làm việc. |
Vụ việc người dân đi đòi sổ đỏ tại Quảng Nam đã kéo dài trong nhiều tháng nay và có số lượng người liên quan kỷ lục lên tới 1000 người gây xôn xao dự luận trong thời gian dài, môi trường đầu tư cũng như hình ảnh của tỉnh này cũng vì thế mà đang trở lên méo mó.
Đây là bài học đắt giá trong công tác quản lý nhà nước ở các địa phương về lĩnh vực thu hút đầu tư dự án, chứ không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam, liên quan tới việc tìm hiểu, lựa chọn chính xác những chủ đầu tư thực sự có năng lực, tâm huyết và có lương tâm khi quyết định giao dự án cho họ thực hiện.