Hà Nội thận trọng thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Bài 2: Nét mới của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

TTTĐ - Khác với mô hình chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, Hà Nội không tổ chức HĐND ở phường, xã. Đáng chú ý, hướng tới phục vụ Nhân dân tốt nhất, mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội quy định Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao các giấy tờ, văn bản, chữ ký...
Hà Nội thận trọng thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Nâng cao hiệu quả hoạt động cấp cơ sở

Mô hình chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội đều có điểm chung là tinh gọn bộ máy, không tổ chức HĐND một số cấp nhằm mục đích tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của đô thị.

Trong đó, Hà Nội bỏ HĐND phường (các phường thuộc khu vực đô thị quận, thị xã); Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh bỏ cả HĐND ở phường và quận. Hay nói cách khác, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị (TP, quận), còn TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là chính quyền địa phương một cấp (TP).

Như vậy, điểm mới của chính quyền đô thị tại Hà Nội và cũng chính là tính ưu việt của mô hình này, đó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn.

Với mô hình này, UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; Giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường và cán bộ tư pháp - hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường để giúp việc cải cách hành chính.

Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã như: Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; Phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mà UBND quận, thị xã là cơ quan sẽ xây dựng, UBND phường sẽ không còn nhiệm vụ xây dựng dự toán thu chi cho cấp mình nữa.

Ngoài ra, UBND phường không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước. Như vậy, quyền tự chủ về tài chính, hoạt động của UBND phường sẽ giảm đi so với trước đây nhưng sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Bài 2: Nét mới của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội
Những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ “giải phóng” các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường

Nhiều ý kiến cho rằng, những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ “giải phóng” các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết: “Phường có số lượng hồ sơ chứng thực lớn (riêng trong năm 2020 có tới 10.881 hồ sơ chứng thực, hộ tịch) nên Nghị định quy định Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính, sẽ giúp giảm tải được rất nhiều thời gian cho lãnh đạo phường; Công dân cũng không mất nhiều thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, với quy định “biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người” và UBND quận được quyền quyết định giao cụ thể số lượng công chức làm việc tại UBND phường sẽ giúp các phường nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành”.

Không để xảy ra “khoảng trống quyền lực”

Tuy nhiên, đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị không chỉ thuần túy không tổ chức HĐND quận, phường, mà là tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Tại Hà Nội, ngoài con số sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ HĐND cấp phường, mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề quá trình phát triển đô thị đặt ra.

Bởi thế, chính quyền đô thị phải bảo đảm được hai mục đích quan trọng nhất. Đó là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; Hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất, tập trung hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian. Ngoài ra, mô hình phải đảm bảo không để xảy ra “khoảng trống quyền lực” khi triển khai.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, khi không tổ chức HĐND phường, quyền đại diện của cử tri vẫn được mở rộng thông qua các kênh Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND quận và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, MTTQ... Như vậy, quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao hơn, tạo điều kiện để chính quyền vận hành, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hoạt động của bộ máy cấp cơ sở.

Việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đặc biệt, hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình.

Ngay từ khi xây dựng đề án, Hà Nội đã xác định, việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Sau khi sắp xếp, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường cần duy trì hoạt động ổn định bình thường. Tổ chức, bộ máy của UBND các phường tinh gọn. Công tác điều hành hoạt động giữa UBND quận, thị xã và UBND phường bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức và công dân.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp từng đối tượng, các tầng lớp Nhân dân; Tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân.

Thành phố cũng xác định sẽ gặp không ít thách thức bởi mô hình chính quyền đô thị đòi hỏi cán bộ, công chức phải có khả năng tư duy mới, cách làm việc mới, kỹ năng thực thi công vụ cụ thể với từng vụ việc, kỹ năng ứng xử và giao tiếp tốt đối với công dân. Bên cạnh đó, mô hình cần được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa UBND phường với đơn vị thuộc quận và thành phố...

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động