Bác sĩ về hưu tiếp tay "thần dược hóa" Tinh chất tỏi Đan Lê do Công ty Hoa Cúc phân phối
Bác sĩ "quên" luật quảng cáo
Trong vai một khách hàng muốn được làm đại lý của Công ty TNHH Hoa Cúc (Công ty Hoa Cúc) phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã gọi điện đến số điện thoại của ông Lê Nhất Minh Vũ thì được ông này giới thiệu bà Vũ Thị Trinh (vợ ông Vũ - pv). Tại buổi gặp gỡ, bà Trinh tự giới thiệu mình là boss của Hoa Cúc, đồng thời cũng "chém gió" về công dụng cho từng sản phẩm như: Trinh nữ hoàng cung, Dung dịch vệ sinh phụ nữ, Tinh dầu Đan Lê, Tinh chất tỏi Đan Lê, Xịt hôi nách...
Bác sĩ về hưu tiếp tay thổi phồng công dụng tinh dầu tỏi Đan Lê |
Để khách hàng tin tưởng, bà Trinh đã gửi vào zalo cho phóng viên hàng loạt những hình ảnh, giấy tờ về sản phẩm nhưng điều khiến phóng viên ngỡ ngàng hơn cả là những đoạn video có chứa hình ảnh các bác sĩ nghỉ hưu cầm sản phẩm Tinh chất tỏi Đan Lê và giới thiệu sản phẩm với muôn vàn công dụng, thậm chí các bác sĩ này còn khẳng định sản phẩm Tinh dầu tỏi Đan Lê có thể chữa được các bệnh hô hấp cho trẻ em...
Chiêu trò sử dụng hình ảnh bác sĩ, thầy thuốc để quảng cáo sản phẩm gây ngộ nhận cho người dùng thực sự đã đến mức báo động bởi chiêu thức quảng cáo này sẽ dễ đi vào lòng người nhất, người tiêu dùng thường tin vào bác sĩ, chỉ cần họ giới thiệu sản phẩm nào là đã có đủ sức thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó.
Thế nhưng, theo quy định ở Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018 quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Hơn nữa các từ ngữ “điều trị”, “chữa trị”, “hỗ trợ điều trị”... không được chấp nhận trong việc công bố tính năng của thực phẩm thường hay nguyên liệu thường.
Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về mục đích của những vị bác sĩ về hưu này. Rốt cuộc họ có đúng là bác sĩ hay không?
Lợi dụng bệnh dịch để thổi phồng công dụng của tinh dầu tỏi
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ngoài dấu hiệu lưu hành sản phẩm Trinh Nữ Vương chưa rõ nguồn gốc xuất xứ thì Công ty Hoa Cúc còn đang phân phối ra thị trường sản phẩm có tên Tinh chất tỏi Đan Lê với nhiều công dụng “trên trời” như diệt khuẩn, chữa sâu răng, trị nấm đầu, trị mụn trứng cá…thậm chí trên “chợ mạng” các doanh nhân online còn đua nhau tung hê sản phẩm Tinh chất tỏi Đan Lê như: “Hãy mua một tấm vé bảo hiểm cho sức khỏe gia đình mùa dịch Corona bằng một chai Tinh dầu tỏi Đan Lê – Bạn sẽ cảm thấy “cuộc chiến” này dễ dàng hơn”...
Sản phẩm được hướng dẫn sử dụng như thuốc |
Hơn nữa, bên trong sản phẩm Tinh chất tỏi Đan Lê có trong tay phóng viên, còn kèm tờ hướng dẫn sử dụng đề rõ từ thành phần, đối tượng sử dụng, cách sử dụng... thậm chí tờ hướng dẫn này còn nhấn mạnh phần chỉ định liều dùng cho trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi như sau: “Ngày 2 -3 lần – mỗi lần 2 -3 giọt hòa loãng với nước nguội. Luôn nhớ không dùng dự phòng, chỉ dùng điều trị”
Đây không phải phiếu công bố cho sản phẩm mà chỉ là phiếu tự công bố tiêu chuẩn để sản xuất Sản phẩm Tinh dầu tỏi Đan Lê. |
Nhờ đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng đang tìm các giải pháp phòng dịch Corona nên sản phẩm này thu hút đông đảo người mua. Tuy nhiên, chất lượng của các sản phẩm này đến đâu, nguồn gốc xuất xứ thế nào vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng.
Nội dung tờ hướng đẫn sử dụng khiến người tiêu dùng nhầm lẫn đây là thuốc |
Để bạn đọc tránh việc ngộ nhận về sản phẩm, chúng tôi đã tham vấn Ths.Bs Nguyễn Văn Đàn – Giảng viên khoa Y Dược Cổ Truyền, Đại học Y Dược TP. HCM và nhận lại khuyến cáo như sau: "Không được dùng tỏi kéo dài nhiều ngày để tăng sức đề kháng dù dưới dạng nào (nước hấp tỏi, tỏi ngâm giấm, rượu tỏi...) cho trẻ nhỏ. Vì theo y học cổ truyền, tỏi có vị cay thơm nồng, tính nóng. “Trẻ con thuần dương vô âm”, do đó khi dùng tỏi lâu ngày sẽ làm vượng phần dương, càng tổn thương phần âm, gây hại đến chính khí của cơ thể, trẻ càng dễ mắc bệnh, cơ thể nóng và mất tân dịch nhiều hơn. Cũng như theo y học hiện đại, đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định dùng tỏi lâu ngày sẽ tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch tốt hơn. Mà hậu quả trước mắt là hơi thở sẽ có mùi, vị giác của trẻ sẽ kém hơn".
Để tìm hiểu thực hư loại “thuốc tiên” mang tên Tinh chất tỏi Đan Lê khi phóng viên đã tra cứu thì thấy sản phẩm không có trong trong danh sách được công bố là thực phẩm chức năng và cũng không phải thuốc điều trị.
Sản phẩm được hướng dẫn sử dụng như thuốc |
Theo quy định Công ty sản xuất và công ty đăng ký có thuốc lưu hành phải in số đăng ký lên nhãn thuốc vì vậy để lấy niềm tin của người tiêu dùng trên vỏ sản phẩm Tinh chất tỏi Đan Lê đã để dòng chữ “Số CBTC:07/2019/TĐH-HB”, dãy số này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đã được cơ quan chức năng công bố cho lưu hành là thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhưng thực chất đây chỉ là số do Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc Tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng tự công bố tiêu chuẩn cơ sở để sản xuất thực phẩm thường, cụ thể là sản phẩm Tinh dầu tỏi Đan Lê. Như vậy sản phẩm Tinh dầu tỏi Đan Lê chỉ có thể coi là thực phẩm thường hoặc chỉ là nguyên liệu thực phẩm đơn thuần như bánh, kẹo... không có công dụng, ảnh hưởng đặc biệt với sức khỏe và không có cách sử dụng đặc biệt nào.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng liên tục nhắc đến từ điều trị, khỏi bệnh... Khi đánh giá về sản phẩm Tinh dầu tỏi Đan Lê |
Luật sư Nguyễn Thanh Phương, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác. Do vậy, nếu bác sỹ tham gia quảng cáo không đúng sẽ bị xử lý như các tổ chức cá nhân khác. Bên cạnh đó, theo thông tư 13/BYT năm 2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc. Khi bác sĩ tham gia hoạt động thông tin truyền thông mang tính chất giáo dục y tế cũng chỉ được đề cập đến các dữ liệu đã được xác minh, phải thận trọng và lưu ý về những tác động có thể có của những tuyên bố đối với công chúng. Dự thảo thông tư quy định về thông tin, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế cho mục đích quảng cáo, hoặc dùng hình thức thư cảm ơn của người tiêu dùng để khuyên dùng và quảng cáo thực phẩm. |