Bắc Giang: Doanh nghiệp hướng đến “kinh tế xanh” bền vững
Trao giải Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" |
Tại tỉnh Bắc Giang, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh đến năm 2030. Theo đó, kế hoạch hành động đề ra mục tiêu đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với trọng tâm là phát triển các cụm ngành kinh tế trọng điểm theo hướng xanh hóa, hướng đến nền kinh tế cacbon thấp, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, làm giàu vốn tự nhiên.
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại, cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan. Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nắm bắt được xu hướng nêu trên, nhiều doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, tận dụng các vật liệu tái chế để sản xuất ra sản phẩm xanh, sạch, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ hữu hiệu môi trường sống.
Ghi nhận thực tế tại Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam (Công ty Khải Thần), đây là một công ty chuyên về lĩnh vực sản xuất các sản phầm bao bì, nhựa gia dụng. Từ năm 2013, Công ty Khải Thần đã nghiên cứu sản xuất các loại sản phẩm bao, túi. Trải qua gần 10 năm không ngừng cải tiền, phát triển, hiện nay Công ty đã có mặt hàng túi vải không dệt là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường và đang được thị trường quốc tế ngày càng quan tâm và tin dùng.
Sản phẩm túi tự huỷ sinh học giúp bảo vệ môi trường sống của Công ty Khải Thần. |
Theo ông Fu Yu, Giám đốc Công ty Khải Thần, loại túi xách vải không dệt thực chất là túi tự hủy sinh học. Đây là một phát minh nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở ngưỡng nguy hiểm. Song vì chưa nhiều người thấy hết được lợi ích của chiếc túi này cũng như chưa thấy được hậu quả khôn lường cộng đồng phải gánh chịu khi lạm dụng vật liệu nhựa nên nhiều người vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho túi tự hủy.
Ông Fu Yu chia sẻ: “Nhựa truyền thống được tạo ra từ các sản phẩm phụ và hóa chất độc hại, là mối đe dọa đối với môi trường cuộc sống. Đối với loại túi tự hủy sinh học, khi dùng, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy một ưu điểm vượt trội là không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm được đựng bên trong. Bên cạnh đó, vật liệu phân hủy sinh học là sản phẩm dựa trên các nguyên liệu thực vật, nên quá trình sản xuất tạo ra ít khí thải carbon hơn nhiều so với nhựa truyền thống”.
Dây chuyền sản xuất túi vải không dệt tại Công ty Khải Thần. |
Việc sử dụng ống nhựa hay vỏ bao nilon có thể chỉ tốn vài giây nhưng sẽ mất vài chục năm, thậm chí là cả trăm để có thể phân hủy. Đối với túi vải không dệt được sản xuất tại Công ty Khải Thần, quá trình phân hủy nhanh chóng chỉ trong vòng khoảng 3- 5 năm. Khả năng phân hủy này chịu tác động bởi các yếu tố như nhiệt độ môi trường, điều kiện tự nhiên, sinh vật bên ngoài,…
Đầu tiên, sự phân hủy oxi hóa các xơ vải khiến chúng phân ra thành các mảnh nhỏ. Mạch của xơ vải bình thường có khối lượng phân tử không cao làm cho vi sinh vật có thể tấn công trực tiếp. Thêm với các yếu tố phụ khác giúp quá trình sinh hóa diễn ra nhanh hơn. Đất càng ẩm, nhiệt độ càng cao, càng nhiều vi sinh vật thì túi càng phân hủy nhanh và ngược lại. Giai đoạn hai: các mảnh vải dần dần bị hao mòn đi, nhỏ lại và biến mất hoàn toàn hòa vào lớp xốp của đất. Kết quả của giai đoạn này là hình thành sinh khối CO2, H2O. Những sản phẩm này đều không có hại cho môi trường, thậm chí nhiều khi còn có tác dụng làm cho đất thêm phì nhiêu, màu mỡ.
Lãnh đạo Công ty Khải Thần giới thiệu về sản phẩm túi vải không dệt |
Với việc đi đầu trong phát triển kinh tế xanh, tạo ra sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm túi vải không dệt của Công ty Khải Thần đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Đông Á và Đông Nam Á. Kết quả doanh số kinh doanh xuất khẩu hiện tại đạt khoảng 35% trên tổng doanh thu và dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Liên quan đến chủ trương phát triển “kinh tế xanh”, theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bắc Giang, địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xanh, sạch, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Nhiều mô hình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trở thành xu thế chủ đạo tại Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên, Hiệp Hòa. Đây là hướng đi phù hợp quy luật, thể hiện sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp.