Ấn Độ có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới?

Các công ty phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm một phương án dự phòng cho vị trí công xưởng thế giới của Trung Quốc.
Những tấm bằng vô giá trị đang tạo ra một thế hệ thất nghiệp ở Ấn Độ Ấn Độ: Nắng nóng nghiêm trọng khiến nhiều trường học phải tạm thời đóng cửa Ấn Độ: Cai nghiện điện thoại bằng cách tăng thuế đất

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chính sách Trung Quốc+1, tức là có ít nhất một nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ đang nỗ lực để đạt được vị thế “+1” đó.

Theo Wall Street Journal nhận định, Ấn Độ có lực lượng lao động và thị trường nội địa có quy mô tương đương với Trung Quốc. Theo số liệu của Liên hợp quốc, Ấn Độ gần đây đã soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc vẫn vượt mọi quốc gia khác trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, Wall Street Journal cho biết ngày càng có nhiều yếu tố khiến các công ty phải tìm kiếm giải pháp dự phòng, bao gồm chi phí lao động tăng cao, những đợt phong tỏa trong đại dịch COVID-19,...

Trong nỗ lực trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu cho các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, Ấn Độ vào tháng trước đã đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD cho đến năm 2030.

Ấn Độ có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới?
Một nhà máy sản xuất xe điện tại Ấn Độ (Ảnh: OLA)

Ở thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Ấn Độ đã nỗ lực khẳng định vai trò là quốc gia có thể mang lại sự ổn định cho hệ thống này.

Sự nổi lên của Ấn Độ như một lựa chọn thay thế tin cậy đang được thúc đẩy bởi những chỉ số tích cực, bao gồm gia tăng đầu tư của chính phủ cho phát triển cơ sở hạ tầng và nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực hậu cần.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã thực hiện một số cải cách khác như tự do hóa các tiêu chuẩn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giới thiệu chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), mở cửa một số lĩnh vực, bao gồm quốc phòng và sản xuất, điều chỉnh luật lao động...

Nước này cũng tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều nước, trong đó có Australia, Anh và Canada.

New Delhi cũng đã nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do toàn diện với Liên minh Châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này, sau 9 năm gián đoạn.

Từ năm 2014, Ấn Độ đã đưa ra chiến dịch “Make in India” để giúp Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia tăng sản xuất ở đây. Mục tiêu của họ là ngành này đóng góp 25% GDP.

Theo tờ The Times of India, trong năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được khoảng 83,6 tỉ USD vốn FDI, cao hơn mức 82 tỉ USD của năm 2021. Cuối năm 2022, Apple cũng quyết định tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và dự kiến Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu vào năm 2025.

Các dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang thay đổi có thể nhìn thấy tại những khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur, một thành phố ở bang Tamil Nadu.

Tại đây, các nhà sản xuất nước ngoài từ lâu đã sản xuất ôtô và thiết bị cho thị trường Ấn Độ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang đổ về đây, nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.

Vào năm 2021, Vestas của Đan Mạch, một trong những nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới, đã xây dựng hai nhà máy mới ở Sriperumbudur. Việc Ấn Độ được dự báo sớm trở thành thị trường lớn thứ hai về turbine đã thúc đẩy quyết định mở rộng của Vesta.

Ấn Độ có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới?
Nhà máy ô tô của Ford tại Chenna, Ấn Độ (Ảnh: Reuters)

Charles McCall, Giám đốc cấp cao của Vestas Assembly India, cho biết đó là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn tất cả trứng đều nằm trong một giỏ ở Trung Quốc”, ông nói. Một số nhà cung cấp của Vesta cũng đang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ.

Sasikumar Gendham, Giám đốc điều hành công ty Salcomp của Phần Lan, nhà sản xuất và cung cấp bộ sạc điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, cho biết Ấn Độ đã áp dụng các khoản giảm thuế và hải quan cho hàng xuất khẩu vào năm 2015 và tiếp tục điều chỉnh vào năm 2021, trong khi các khoản giảm thuế hải quan là “điểm kích hoạt cho toàn bộ ngành công nghiệp điện tử” của Ấn Độ.

Dù có nhiều yếu tố tiềm năng để trở thành công xưởng của thế giới, Ấn Độ cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Lực lượng lao động hầu hết vẫn còn nghèo và không có kỹ năng, cơ sở hạ tầng kém phát triển và môi trường kinh doanh, bao gồm cả các quy định, có thể là rào cản. Bên cạnh đó, sản xuất vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Ấn Độ.

Lĩnh vực sản xuất cũng chỉ chiếm 14% nền kinh tế và không tăng trưởng trong suốt thập niên qua. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ vẫn ở mức khá cao, theo một số ước tính là 8,3% trong tháng 12/2022.

Ngọc Ly
Phiên bản di động