ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay lên 2,3%
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi ADB: Kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 1,8% |
Theo đó, tại báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020 (ADO), ADB đánh giá kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý 2/2020 lên 2,6% trong quý 3, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tháng Một đến tháng Chín lên 2,1%.
Đáng chú ý, nhóm chuyên gia của ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng từ 1,8% lên 2,3% do đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng và kinh tế phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ADB cũng dự báo mức tăng trưởng cho năm 2021 của Việt Nam lại giảm từ 6,3% xuống 6,1%.
Ảnh minh họa |
Theo ADB, tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á vẫn chịu áp lực khi những đợt bùng phát Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Triển vọng tăng trưởng của tiểu vùng cho năm 2020 đã được điều chỉnh giảm từ âm (-) 3,8% trong tháng 9 xuống còn âm (-) 4,4%.
Triển vọng của tiểu vùng trong năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm, với Đông Nam Á hiện được kỳ vọng tăng trưởng 5,2% trong năm sau, so với mức dự báo 5,5% trong tháng 9 vừa qua.
Ông Yasuyuki Sawada - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, triển vọng của châu Á đang phát triển đang cho thấy sự cải thiện. Các dự báo tăng trưởng đã được nâng lên đối với Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn nhất của khu vực.
"Đại dịch kéo dài vẫn là nguy cơ chủ yếu song những tiến triển gần đây trong lĩnh vực vắcxin đang làm dịu bớt nguy cơ này. Việc cung cấp vắcxin an toàn, hiệu quả và kịp thời ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ là yếu tố then chốt để hỗ trợ quá trình mở cửa lại các nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng trong vùng", ông Yasuyuki Sawada đánh giá.
Trước đó, tại báo cáo công bố hồi tháng 9, ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020, nhưng sẽ bật tăng lên mức 6,3% trong năm 2021.
Trong báo cáo của mình, ADB đánh giá, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
"Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh", ADB nhận định.
Tại báo cáo hồi tháng 9, ADB cũng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Theo ADB, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.