Yên Bái: Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp

Thời gian qua, toàn tỉnh Yên Bái có 98 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực sản xuất Nông - Lâm nghiệp trên tổng số 156 nhiệm vụ khoa học được triển khai, với số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trên 42,2 tỷ đồng.
"Tú bà" chứa gái mại dâm và đánh bạc qua mạng xã hội lĩnh án Yên Bái: Xe tải tông ngang xe khách, một người bị thương nặng Công an tỉnh Yên Bái lên tiếng về vụ bắt "thánh chửi" Trần Đình Sang

Tỉnh Yên Bái trong 5 năm (2014-2018) đã thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ đạt được nhiều thành tựu, như: bổ sung thêm nhiều giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên theo từng vùng sinh thái, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm ngành nghề mới, giải quyết nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm nghiệp, Yên Bái phân bổ 1,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hằng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nghiên cứu chuyển giao các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất an toàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

tang cuong nhiem vu khoa hoc cong nghe phuc vu san xuat nong lam nghiep vung cao
Mô hình rau an toàn áp dụng khoa học công nghệ ở Yên Bái. Ảnh Báo Yên Bái

Một số đề tài, dự án khoa học sau khi kết thúc đạt kết quả khả quan đã được nhân rộng áp dụng vào sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn, như: dự án "Chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn" thực hiện năm 2014 - 2016; dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp với nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững" thực hiện năm 2015-2016; dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái" thực hiện năm 2015-2016; đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái” thực hiện năm 2016-2018.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đã tập trung vào chuyển giao, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức bán công nghiệp, áp dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngành đã đưa các con giống mới nhằm đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao; nghiên cứu thụ tinh nhân tạo trâu, bò, lợn để chủ động nguồn giống vật nuôi.

Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả cao như dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lai tạo bê lai giữa bò BBB và bò cái nền lai Zebu trên địa bàn tỉnh Yên Bái" thực hiện năm 2015-2016; dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản F1 BBB, theo hình thức chăn nuôi công nghiệp trong nông hộ tại huyện Yên Bình, Văn Yên và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái" thực hiện năm 2016-2017.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần tăng giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp qua việc xây dựng các mô hình trồng rừng, nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng kỹ thuật mới, phù hợp với khí hậu, đất đai, qua đó tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi, đặc biệt là các nhóm dân tộc ít người. Tiêu biểu như dự án: "Xây dựng mô hình trồng rừng phòng hộ bằng loài cây lâm nghiệp bản địa (cây Sơn Tra và cây Thông) tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”...

Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp, ngành khoa học và công nghệ tỉnh cũng ưu tiên hỗ trợ triển khai xác lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ một số sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương như: xây dựng chỉ dẫn địa lý "Mường Lò" cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò; Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Cam Văn Chấn, Bưởi Đại Minh, Sơn tra Mù Cang Chải; Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Miến đao Giới Phiên, Gạo Bạch Hà, Cam Lục Yên... Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm trên một đơn vị diện tích, phát huy hiệu quả, lợi thế của những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đã góp phần phát triển thương hiệu nông sản địa phương, quảng bá và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của tỉnh trên thị trường.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tập trung vào các sản phẩm chủ lực; ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; thông qua các công nghệ sẵn có hoặc đặt hàng với các cơ quan nghiên cứu để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc xây dựng và mở rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng tập trung, an toàn, hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng rà soát, xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng của tỉnh để tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Đức Mậu
Phiên bản di động