Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số

Sau một năm triển khai cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số (CĐS) trên toàn “mặt trận”, tỉnh Yên Bái đã đứng thứ 27/63 các tỉnh, thành; Tăng 13 bậc so với xếp hạng năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là tiền đề vững chắc để Yên Bái tự tin “về đích” sớm với mục tiêu nằm trong 20 tỉnh, thành phố có chỉ số CĐS cao nhất cả nước vào năm 2025.
Du khách thích thú với du lịch trải nghiệm bằng xe địa hình ở Yên Bái Yên Bái: Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thành lập Khoa Tim mạch - Lão khoa Yên Bái: Trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2022 - 2023

Sức lan tỏa từ 9.000 “công dân số”

Sáng cuối tuần, ông Vũ Ngọc Huân ở Tổ dân phố số 8, thị trấn Mậu A (Văn Yên, Yên Bái) phấn khởi có mặt tại thị trấn để cán bộ công an, ngân hàng, viễn thông tư vấn, cài đặt các nền tảng số về định danh điện tử, sức khỏe điện tử và thanh toán điện tử. Chỉ sau khoảng nửa tiếng, ông Huân đã hoàn thành xong thủ tục cài đặt và nhận chứng chỉ “Công dân số”. Đối với ông Huân, đây là điều cần thiết, có ích cho bản thân và người dân, để việc giao dịch nhanh gọn và phù hợp với xu thế thời đại 4.0.

Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn tham dự sự kiện thúc đẩy CĐS ở Yên Bái

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lã Thị Liền cho biết, ông Huân chỉ là một trong 9.000 người dân của huyện hưởng ứng phong trào “Tự hào tôi là công dân số” do huyện tổ chức và được cấp chứng nhận “Công dân số” trong năm 2022. Họ chính là hạt nhân cho phong trào CĐS của địa phương và lan tỏa tinh thần, góp phần làm nên cuộc CĐS mạnh mẽ, sâu rộng của toàn tỉnh Yên Bái trong năm 2022.

Bà Liền chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, xã. Từ đây, các tổ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho các thành viên, tạo khí thế CĐS sâu rộng trong từng công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên và người dân. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, Văn Yên trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh Yên Bái về CĐS với kết quả vô cùng ấn tượng”.

Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số
hủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu khai mạc và phát động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10/10

Đến nay, huyện Văn Yên đã hoàn thành mô hình tổ CĐS cộng đồng đến 100% thôn, tổ dân phố với 1.322 thành viên. Đặc biệt, với phong trào thi đua “Tự hào Tôi là công dân số”, toàn huyện đã có khoảng 9.000 người dân được công nhận là “Công dân số”. Để trở thành công dân số, người dân phải có điện thoại thông minh, tài khoản định danh điện tử, sử dụng nền tảng sổ sức khỏe điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Việc xét công nhận tuân theo quy trình 2 bước, từ danh sách đề nghị của tổ công nghệ cộng đồng thôn, sau đó, tổ công nghệ cộng đồng xã chủ trì phối hợp với công chức văn hóa và thông tin xã thẩm định, tham mưu Chủ tịch UBND xã, thị trấn công nhận đạt “Công dân số”.

Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ sức khỏe của người dân huyện Văn Yên được cập nhật vào nền tảng đạt 84,2%; 100% trạm y tế xã đã triển khai nền tảng; Hệ thống truyền thanh thông minh gắn với nền tảng phát thanh số trực tuyến tới 100% xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn; 100% sản phẩm OCOP và 27 sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử, góp phần giúp người dân tiêu thụ nông sản thành công trên môi trường trực tuyến.

Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số
Năm 2022, hàng loạt hội thi về CĐS được tỉnh Yên Bái tổ chức

Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lã Thị Liền cho rằng, vai trò của tổ CĐS cộng đồng vô cùng quan trọng. Họ đã và đang là một kênh thông tin tuyên truyền, lan tỏa về mục đích, ý nghĩa mà CĐS mang lại. Vì thế, khó có thể tin rằng, một thôn nghèo nhất huyện Văn Yên như Khe Bành, xã Châu Quế Hạ với có đa số là hộ nghèo thì CĐS lại mạnh mẽ nhất. “Ở đây, người dân sử dụng internet, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử rất thuần thục. Trước đây, mỗi khi triển khai các cuộc họp, cán bộ thôn phải đến từng nhà vận động thì nay với ứng dụng Zalo hay nhóm Facebook “Khe Bành quê tôi”, cán bộ thôn, tổ chỉ cần đưa thông tin lên đó là có thể nhanh chóng tập hợp người dân đầy đủ”, bà Liền nói.

Đến những “trường học thông minh”…

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho hay: “Xác định năm 2022 là năm “tổng tiến công” về CĐS, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng 7 mô hình, đó là: CĐS cấp huyện; CĐS cấp xã phường; CĐS cơ quan Nhà nước; CĐS trường học; Sổ tay đảng viên điện tử; Công dân số; Tổ CĐS cộng đồng. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để các “mặt trận” từ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục có những bước chuyển đột phá.

Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số
Thanh niên Yên Bái tích cực tham gia chuyển đổi số

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giáo dục, đến nay, toàn tỉnh có 200 trường học triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; 90 trường triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, trên 147.000 bài giảng điện tử được giáo viên tạo ra và áp dụng vào giảng dạy; 87 trường học triển khai xây dựng kho bài giảng e-learning với 3.264 bài giảng. Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học, Sổ điểm điện tử và Học bạ điện tử đảm bảo các quy định; 85 cơ sở giáo dục ở địa bàn thuận lợi đã thực hiện thanh toán các loại phí giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt…

Thành công từ hướng đi sáng tạo, đột phá

Tháng 8/2022, theo xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Yên Bái đã đứng thứ 27/63 các tỉnh, thành, tăng 13 bậc so với xếp hạng năm 2020. Có thể thấy, kết quả đó là của một quyết sách, chiến lược đúng đắn, sáng tạo và đột phá của địa phương này.

Trước đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, để triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 và nhiều kế hoạch ngắn, dài hạn. Với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Yên Bái đã đạt được những kết quả ấn tượng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

“Để tạo đột phá, tỉnh Yên Bái đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng đó là giao cho mỗi cấp huyện một mô hình, nền tảng số quốc gia để triển khai, từ đó đánh giá, nhân rộng sang các địa phương khác. Từ kết quả bước đầu đã xuất hiện những cách làm hay hiệu quả và nhiều bài học quý giá. Mô hình CĐS tại huyện Văn Yên là một điển hình cho sự sáng tạo và đột phá đó”, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Yên Bái: Dấu ấn từ cuộc “tổng tấn công” chuyển đổi số
Trường học ở Yên Bái ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập

Tính đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố, 19/19 sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; 173/173 xã, phường, thị trấn và 1.356/1.356 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ CĐS cộng đồng với tổng số 10.851 người tham gia. Đáng chú ý, hiện Yên Bái là tỉnh thứ 3 trên cả nước thành lập tổ CĐS cộng đồng.

Với hàng loạt hội thi, cuộc ra quân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số, thúc đẩy mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; Tuyên truyền vận động gia đình công dân số, tổ chức bình xét công nhận Hộ gia đình số… Yên Bái đã trở thành tỉnh có tốc độ CĐS tăng cao nhất trong 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Với thông điệp “CĐS vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”; “CĐS lấy người dân làm trung tâm”… cuộc “tổng tiến công” này đã thực sự tạo được những thành công bước đầu ấn tượng.

Với những bước đi vững chắc, cách làm sáng tạo, Yên Bái chắc chắn sớm hoàn thành mục tiêu vào năm 2025: Lọt Top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số CĐS cao nhất cả nước.

Thái Sơn
Phiên bản di động