Xử trí thế nào khi học sinh đến trường sớm?
Ngày 24/5, bà Mai Thị Mùi, 51 tuổi, trú tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, phụ huynh có con lớp 1 trường Tiểu học Quang Trung bị phê bình vì đi học sớm, cho biết con gái vẫn chưa ổn định tâm lý, nhắc đến đi học sớm lại kêu sợ cô. Bà đang cân nhắc chuyển trường cho con bởi học trường cũ có thể khiến con bị ảnh hưởng tâm lý và học hành.
Bà Mùi bảo bất đắc dĩ mới phải cho con đi học sớm. Chồng mất, bà phải nuôi con một mình. Công việc phụ bếp ở cơ sở mầm non tư nhân giúp bà kiếm 4 triệu đồng một tháng, trả tiền thuê trọ mất 2 triệu đồng. Bà phải đi dọn nhà thuê, lượm ve chai ngoài giờ để có tiền sinh hoạt, lo cho con ăn học.
Học kỳ I, bà Mùi vẫn cho con ăn bán trú ở trường để tiện đi làm. Nhưng từ ngày 18/5, khi trường tổ chức ăn bán trú sau thời gian nghỉ do Covid-19, bà không đăng ký cho con bởi không có tiền đóng do thất nghiệp ba tháng qua.
Buổi trưa, bà đưa con tới trường sớm hơn khoảng 15 phút do giờ vào lớp của con lệch giờ làm. Hôm đầu đi sớm (thứ hai 18/5), con gái bà vào sân trường ngôi chơi đợi giờ vào lớp thì bị tổ Sao đỏ nhắc nhở. Hôm sau, con bị cô chủ nhiệm chụp ảnh, đưa lên nhóm lớp trên Zalo để phê bình. Bà Mùi đã phản ánh với cô giáo, nhưng không được ghi nhận.
Bà Mùi cho rằng việc học sinh đi học sớm không được vào trường và lại bị phê bình là vô lý. "Nhà trường nên để học sinh được vào trường, nhắc nhở các cháu không vào lớp làm ảnh hưởng đến các bạn bán trú đang ngủ là được", bà Mùi nói.
Học sinh trường Tiểu học Khương Thượng (Hà Nội) đi học trở lại hôm 11/5. Ảnh: Thanh Hằng. |
Các trường học đều quy định giờ đóng - mở cổng trường. Tuy nhiên, theo giáo viên và lãnh đạo trường, trường học phải linh hoạt để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 một trường tiểu học công lập ở Phú Thọ, cho biết trường học nơi cô công tác luôn khuyến cáo phụ huynh đưa, đón con đúng giờ hay học sinh chỉ nên đến sớm 15 phút. Học sinh không ăn bán trú vẫn được vào trường nếu bố mẹ đưa đến sớm hơn hoặc tự đi xe đạp tới trường sớm. Các em sẽ được bảo vệ nhắc nhở giữ trật tự, hạn chế chạy nhảy, chơi đùa để không ảnh hưởng tới các bạn ngủ trưa tại lớp.
Các con ở lại học bán trú thường được giáo viên đánh thức lúc 13h25 để rửa mặt cho tỉnh táo, kịp vào truy bài lúc 13h45. Học sinh về nhà thường trở lại trường sau 13h15 nên thực tế không ảnh hưởng nhiều. Các con thường ngồi hành lang hay cầu thang cho mát. "Những hôm trời nắng nóng, tôi thường mở cửa để các con vào lớp ngồi điều hòa nhưng nhắc giữ im lặng", cô Nga chia sẻ.
Theo cô Nga, việc học sinh đến trường sớm hơn giờ học là rất bình thường. Lý do giờ vào học muộn hơn giờ làm của phụ huynh buộc họ phải đưa con đến trường sớm. Học sinh luôn có tâm lý đi muộn có thể bị phạt nên phải đi trước giờ. Chưa kể, việc đến trường sớm cũng giúp các em giao lưu với bạn bè, chuẩn bị tốt hơn cho buổi học sắp tới. Vì vậy, các trường cần linh hoạt cho học sinh vào trường và khi các em đã vào thì phải được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, cô giáo cho rằng việc quản lý học sinh không thể đẩy hoàn toàn cho nhà trường. Giáo viên cũng phải được nghỉ ngơi, giải quyết các công việc cá nhân nên không thể ở trường 24/24h để sẵn sàng trông nom học sinh bất cứ khi nào phụ huynh đưa đến. "Nếu có việc bận và phải để con tới trường sớm hơn, phụ huynh nên liên hệ với giáo viên để được hỗ trợ", cô Nga nói.
Cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn - trường công lập tại Hà Đông, TP Hà Nội, cho rằng nhà trường cần có quy định cụ thể nhưng cũng phải linh hoạt trong đón, trả học sinh.
Như ở trường Lê Quý Đôn, khoảng 97% trong số hơn 1.300 học sinh đăng ký bán trú tại trường. Số còn lại được bố mẹ đón về hoặc tự đi xe đạp về nhà. Dù đăng ký ăn bán trú hay không, ngay từ đầu năm học, phụ huynh phải có đơn. Với những gia đình tới đón con đúng 10h45, giáo viên sẽ dẫn các em ra chỗ bảo vệ để chờ. Ai đưa, đón con phải ký vào sổ giao nhận với nội dung gồm họ tên, quan hệ với học sinh và số điện thoại.
Có nhiều trường hợp, học sinh ăn bán trú nhưng phụ huynh đến đón giữa chừng để cho con đi khám bệnh hay về quê thì phải báo trước với giáo viên chủ nhiệm giờ đón và giờ đưa con quay trở lại. Khi đó, giáo viên báo lại bảo vệ, các con được vào trường bình thường và ngồi tập trung ở ghế đá có mái che hay một số phòng phụ trợ. "Trường có bốn bác bảo vệ, ngày nào cũng có một người làm nhiệm vụ quản lý học sinh trước và sau giờ vào lớp, ngồi trực để phụ huynh đưa đón con ký sổ", cô Mai nói.
Theo cô Mai, nhiều trường quy định rõ ràng về thời gian đóng, mở cổng trường nhằm đảm bảo an toàn, tránh các sự cố. Điều này không sai, tuy nhiên cần áp dụng linh hoạt "chứ để học sinh đội nắng ở cổng trường là không ổn". Thời tiết hè khắc nghiệt, không thể để học sinh đến rồi ngồi ở cổng trường hay kể cả trong sân trường giữa nắng gắt. Nhà trường cần hướng dẫn, bố trí bảo vệ hay cán bộ Đoàn túc trực để đưa các em tới chỗ mát mẻ ngồi nghỉ, đợi giờ vào lớp.
Hay như các trường đều quy định phụ huynh không được đi xe vào sân trường nhưng khi trời mưa gió, trường phải tạo điều kiện để họ vào được tận sảnh. Nếu không, học sinh sẽ ướt hết và dễ bị cảm lạnh. "Nhà trường luôn phải đặt học sinh lên trên hết, thông cảm và hỗ trợ cho phụ huynh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự phối hợp, phụ huynh hãy báo trước với giáo viên khi có việc bận, phải đưa đón con sớm để nhà trường chú ý hỗ trợ", cô Mai nói.
Về cách ứng xử khi học sinh đi học sớm không đúng quy định như ở trường Tiểu học Quang Trung, cô Mai cho rằng cả phụ huynh và giáo viên đều xử lý chưa tốt. Với giáo viên, việc nhắc nhở phụ huynh đưa, đón con đúng giờ là tốt nhưng phê bình cá nhân trước tập thể mà chưa liên lạc với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân là chưa được. "Thay vì chụp và đăng hình các con lên nhóm lớp, lên mạng xã hội để phê bình, cô giáo nên gọi điện cho phụ huynh để hỏi lý do, nhắc nhở trước", cô Mai nói.
Ở góc độ phụ huynh, cô Mai hy vọng các ông bố bà mẹ bình tĩnh trước những trường hợp đặc biệt, cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường để tìm hướng giải quyết trước khi làm rùm beng lên. "Nếu phụ huynh ở Hải Phòng bận việc, phải đưa con tới trường sớm thì thông báo cho giáo viên trước để nhờ hỗ trợ, tôi tin nhà trường sẽ tạo điều kiện để con vào trường", cô Mai nói.
Cô Đoàn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, chia sẻ quan điểm của nhà trường là không để học sinh đi sớm, về muộn phải đứng đợi ngoài cổng trường bởi sẽ gây nguy hiểm cho các em. "Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đón các con bất kỳ lúc nào, cổng trường luôn mở và có bảo vệ túc trực 24/24h", cô Hằng nói.
Trường Đinh Tiên Hoàng ít phải tiếp nhận học sinh đi học quá sớm hay về quá muộn. Dù là trường tiểu học có số học sinh đông nhất nhì Hải Phòng với khoảng 2.400 em, chỉ 6-7 em không ăn bán trú bởi sức khỏe không tốt. Những em này được gia đình chăm sóc đặc biệt nên luôn có người thân đưa đón đúng giờ.
Trước sự việc xảy ra ở trường Tiểu học Quang Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có công văn chỉ đạo các nhà trường không được đóng cổng trong thời gian học sinh bán trú nghỉ trưa để các em không bán trú đi học sớm được vào trong trường, bố trí phòng chờ để các em ngồi nghỉ.
https://vnexpress.net/xu-tri-the-nao-khi-hoc-sinh-den-truong-som-4104439.html