Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022: Tránh "chạy theo" đám đông, cảm tính
Nắm rõ quy định liên quan trong khâu đăng ký nguyện vọng để thực hiện đúng, bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao là điều các thí sinh cần lưu ý.
Nắm rõ quy định để tăng cơ hội
Ngày 22/7, Bộ GD&ĐT sẽ chính thức mở Hệ thống để cho thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2022 theo các phương thức xét tuyển năm 2022.
Năm nay Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh theo hướng mở rộng quyền lựa chọn trường, ngành theo nguyện vọng, năng lực của mỗi thí sinh. Đối với những trường tổ chức xét tuyển sớm, bắt buộc phải công bố điểm trúng tuyển, danh sách trúng tuyển có điều kiện phải tốt nghiệp THPT và cập nhật dữ liệu vào Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước 17h ngày 21/7/2022.
Thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 |
Sau 21/7 hầu hết các thí sinh đã biết mình trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm của các trường. Vì vậy, từ 22/7, các em khi đăng ký trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT nên đăng ký các nguyện vọng của mình đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống.
Dù chưa đến thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng hiện tại, rất nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo các phương thức khác như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp theo chỉ tiêu.
Trong khi nhiều thí sinh đã nhanh chóng lựa chọn cho mình một cơ hội trúng tuyển qua phương thức xét tuyển học bạ thì Trần Thành Trung (học sinh trường THPT Nguyễn Trãi) chia sẻ: "Em chờ đến ngày 24/7, khi biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì mới đăng ký".
Đó cũng là suy nghĩ của nhiều cựu học sinh THPT để nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành học mình ưu tiên nhất.
Tư vấn cho thí sinh phương pháp xét tuyển đại học năm 2022, TS Nguyễn Triều Dương - Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Luật Hà Nội đặc biệt lưu ý, các thí sinh cần đăng ký, sắp xếp nguyện vọng một cách thông minh để đạt được nguyện vọng như mong muốn của bản thân.
Thứ nhất, đối với các thí sinh đã trúng tuyển sớm đúng như mong muốn của mình cần đặt nguyện vọng vào trường, ngành mình thích lên vị trí ưu tiên nhất (nguyện vọng 1).
Bên cạnh đó, đối với những thí sinh trúng tuyển sớm nhưng chưa phải là nguyện vọng vào trường, ngành mình mong muốn nhất thì khi dùng điểm thi THPT để xét tuyển cần cân nhắc thật kỹ để đăng ký, sắp xếp vị trí nguyện vọng sao cho phù hợp với sở thích, năng lực và mong muốn của bản thân.
Thí sinh không nên chạy theo đám đông
TS Nguyễn Triều Dương - Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Luật Hà Nội cũng nhấn mạnh, điểm hay trong Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT ban hành là các thí sinh trúng tuyển sớm không bắt buộc phải xác nhận nhập học.
Thí sinh lưu ý: Nguyên tắc cơ bản khi sắp xếp nguyện vọng là đặt nguyện vọng nào mình yêu thích nhất, mong muốn nhất lên trên |
Quy chế này giải quyết được hạn chế của những năm trước là thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao có cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn, ưu tiên hơn nhưng không còn cơ hội trúng tuyển do đã xác nhận nhập học phương thức xét tuyển sớm trước đó mà các trường đã cập nhật dữ liệu, danh sách trúng tuyển xác nhận nhập học về Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở dữ liệu mà các trường cung cấp, Bộ GD&ĐT đã loại các thí sinh này ra khỏi danh sách xét tuyển theo phương thức dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh cần tìm hiểu điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức kết quả thi THPT của trường, ngành mình dự định đăng ký những năm gần nhất. Số lượng chỉ tiêu mà trường phân bổ cho ngành, sau đó xem xét đến số điểm mình đạt được trong tổ hợp dùng xét tuyển để đăng ký, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng.
“Theo kinh nghiệm của tôi, một số thí sinh khi đăng ký nguyện vọng thường chạy theo đám đông, cảm tính, chưa tìm hiểu kỹ thông tin ngành, nghề mình theo học dẫn đến khi vào trường quá trình học không hứng thú nhiều em học được một kỳ hoặc vài năm chủ động xin thôi học.
Do đó, trước khi đăng ký nguyện vọng thí sinh không nên vội vàng mà cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường, ngành mà các em mong muốn trên website về chương trình đào tạo, mức học phí….
Thời gian mở cổng đăng ký khá dài, do đó các thí sinh cần bình tĩnh trong việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng. Bởi đây là bước quan trọng quyết định lâu dài tương lai các em”, TS Nguyễn Triều Dương - Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý các thí sinh: Nguyên tắc cơ bản khi sắp xếp nguyện vọng là đặt nguyện vọng nào mình yêu thích nhất, mong muốn nhất lên trên, rồi đến các nguyện vọng tiếp theo cho đến hết. Với cách thức sắp xếp này, thí sinh hoàn toàn yên tâm, vì hệ thống quản lý xét tuyển của Bộ GD&ĐT sẽ xác định cho thí sinh đỗ một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất trong các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. Bên cạnh đó, một trong những quy định mới mà thí sinh cần lưu ý là có thể đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong khoảng thời gian từ ngày 22/7 đến 20/8.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay kéo dài từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8. Một trong những điểm mới năm nay mà thí sinh cần ghi nhớ, đó là phải đăng ký tất cả các nguyện vọng (ở tất cả các phương thức, ngành, cơ sở đào tạo) theo hình thức trực tuyến lên hệ thống thi, tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức khác, như: Xét học bạ, sử dụng chứng chỉ... cũng phải đăng ký và sắp xếp các nguyện vọng này theo thứ tự ưu tiên lên hệ thống. |