Xe nông sản, khẩu trang ùn ùn lên cửa khẩu với Trung Quốc

Tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) ngày 16/2 đã xuất 136 xe, trong đó chủ yếu là nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay...
Bánh mì thanh long đầu tiên ở Việt Nam Hơn 750 xe nông sản chờ thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc

Theo báo cáo về tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 16/2, số lượng xe chờ làm thủ tục xuất khẩu tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh còn rất lớn.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn: Ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã xuất 136 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay); nhập 62 xe (linh kiện điện tử, nông sản: lê, hành, tỏi, nấm..., máy móc..).

Tại cửa khẩu này vẫn còn tồn 368 xe nông sản, hoa quả (mít, thanh long, ớt, nhãn) xuất khẩu, linh kiện điện tử xuất khẩu.

Trong khi đó, tại cửa khẩu Cốc Nam còn tồn 10 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm). Cửa khẩu Chi Ma tồn 4 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập khẩu thạch đen; 1 xe hạt tiêu, 2 xe quả sung khô).

xe nong san khau trang un un len cua khau voi trung quoc
Ảnh minh họa.

Tại tỉnh Lào Cai: Tổng số xe xuất nhập khẩu: 245 xe. Trong đó đã xuất khẩu 155 (thanh long 89, chuối 13, dưa hấu 14, mít 8, xoài 1, quặng sắt 30); đã nhập khẩu 90 xe. Còn khoảng 100 xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh: Hiện đang tồn hàng xuất: 58.600 tấn tinh bột sắn, 4 container thanh long. Còn lại khoảng 30 xe sầu riêng đã được đưa vào nội địa Việt Nam tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công thương ứng phó với tác động do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra.

Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ thành lập ngay Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc do Cục Xuất nhập khẩu làm Thường trực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và một số đơn vị có liên quan cùng tham gia.

Bộ Công thương giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông - thủy sản khác đang bị ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, dự báo qui mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch, báo cáo cụ thể, đầy đủ với lãnh đạo Bộ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng phải theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía Bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trong khi đó, Các Vụ: Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ được giao chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện là đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời rà soát các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, hoặc có tiềm năng điều kiện mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam.

Các Vụ trên cũng được giao phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong Bộ, các địa phương, các Thương vụ hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường thay thế khác ngay tại nơi sản xuất để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Đồng thời, các Vụ cũng được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Thương vụ liên quan đẩy nhanh, mạnh hơn công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi sang các thị trường mà ta đã đang tiến hành đàm phán, đồng thời triển khai thêm các đàm phán mới đối với các thị trường có tiềm năng và dư địa xuất khẩu.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động