Xây dựng chính quyền đô thị, “cú hích” để phát triển
Sớm đưa Phú Xuyên trở thanh đô thị vệ tinh phía Nam Thủ đô Nam Từ Liêm: Tiếp tục bứt phá, nâng tầm khát vọng Thị xã Điện Bàn và những bước chuyển mình của một đô thị trẻ năng động |
Thành phố xác định cải cách hành chính (CCHC) theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Đó là cơ sở để mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội đi đến thành công.
Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Nhìn lại kết quả đạt được của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, CCHC được xem là một trong 3 khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện các chủ trương lớn về CCHC, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Chương trình 01, 08 của Thành ủy.
Công tác cải cách hành chính của thành phố đạt nhiều kết quả tích cực |
Thành công này được thể hiện qua những con số ấn tượng. Tính đến nay, thành phố đã hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn (đạt 100%); Đã đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính (TTHC) với số chi phí tiết giảm trên 91 tỷ đồng/năm.
Điều này đã giúp cho Hà Nội có chỉ số CCHC năm 2019 tiến bộ rõ rệt hơn khi đạt 84,64% (năm 2018 đạt 83,97%). Đáng nói năm 2019, Hà Nội có 2 chỉ số thành phần đạt trên 90%. Đó là “Công tác chỉ đạo điều hành CCHC” đạt 94,12%; “Cải cách TTHC” đạt 92,86%. Đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực bền bỉ, sáng tạo của các cấp, ngành thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chính quyền các cấp của Hà Nội đã rất tích cực triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), giúp người dân không bị gián đoạn công việc vừa đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Tính đến tháng 6/2020, tổng số TTHC đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 là 1.501/1.659, đạt 91%; Trong đó có 1.113 DVCTT mức 3 và 388 DVCTT mức độ 4. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 930.000, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 91%.
Bên cạnh đó, thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVCTT các cấp thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (giáo dục, y tế).
Theo thống kê đến nay, 90% các cuộc họp của UBND thành phố diện rộng đến Sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến. Đặc biệt, trong đợt phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội đến cấp xã.
CCHC thực chất là hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, công việc này không chỉ dừng lại ở những con số mà được thể hiện rất rõ trong cuộc sống thường ngày của người dân Thủ đô. Bà Nguyễn Thu Hồng (ở ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khi làm một số hồ sơ, tôi không cần phô tô mà chỉ cần mang hộ khẩu gốc ra để đối chiếu. Chỉ vài ngày là tôi đã được trả kết quả”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Sơn, kế toán Công ty TNHH Thương mại xây dựng tổng hợp và du lịch Thùy Anh (ở quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Từ khi Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax), doanh nghiệp có thể tiếp cận, tra cứu, quản lý tất cả khoản thuế trên một hệ thống. Tôi không phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây”.
CCHC - nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính quyền đô thị
Ðể triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội từ tháng 7/2021, nhiều cơ sở pháp lý quan trọng đang được thành phố hoàn thiện. Trong đó, dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.
Ðể triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội từ tháng 7/2021, nhiều cơ sở pháp lý quan trọng đang được thành phố hoàn thiện |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã đề cập đến những điểm mới của chính quyền đô thị tại Hà Nội, cũng như tính ưu việt của mô hình. Đó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn; UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; Giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng; Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường...
Mục tiêu thí điểm là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân và đô thị đặt ra. Bởi thế, vấn đề cốt lõi là chính quyền đô thị phải bảo đảm được hai mục tiêu quan trọng nhất, đó là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; Hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất, tập trung hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian.
Đánh giá việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết, cho rằng, mục tiêu của chính quyền đô thị các cấp cần quán triệt tinh thần và trách nhiệm phục vụ người dân lên hàng đầu. Các chủ trương, chính sách mới phải được công khai rõ ràng, minh bạch, loại bỏ bớt các TTHC rườm rà, trung gian không cần thiết. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị phải lấy Nhân dân làm gốc, như vậy mới có thể đúng hướng.
“Các mối quan hệ giữa người dân và chính quyền phải đi vào thực chất, không nên chỉ hứa hẹn, đổ lỗi, đùn đẩy từ cấp này qua cấp khác. Mọi vấn đề của người dân phải được xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả. Nếu thực hiện được tốt những mục tiêu này, mô hình các cấp chính quyền nào cũng đều phát triển tốt, bền vững, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng cũng như nguyện vọng của Nhân dân”, luật sư Hải Yến chia sẻ.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình thực hiện CCHC là nhằm cải thiện và nâng cao sự phục vụ của cơ quan Nhà nước đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho biết: “Được sự chỉ đạo của thành phố, huyện đặc biệt quan tâm đến CCHC, cố gắng tinh gọn các thủ tục để người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất. Năm 2021, Gia Lâm tiếp tục chú trọng triển khai DVCTT mức độ 3, 4; Nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm bộ phận một cửa của UBND huyện và tất cả các xã, trị trấn được bố trí trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người dân tốt nhất”.
Đề cập đến việc chuẩn bị triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục xác định công tác xây dựng chính quyền và CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Để chấm dứt cơ chế “xin - cho”, khắc phục những kẽ hở của chính sách, rất cần có một đội ngũ quản trị tinh thông và chuyên nghiệp. Muốn vậy, trước tiên thành phố cần thay đổi ngay từ phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, cần “mài sắc” hơn và gần gũi với Nhân dân hơn”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra là: “Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị”. Với quyết tâm cao, các cấp, ngành đã bước đầu đưa ra phương án triển khai của địa phương, đơn vị mình; Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố tập trung nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Điều này nhằm mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Theo đó, thành phố tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Từ những tiền đề thuận lợi đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm vụ nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ được các cấp, ngành thành phố Hà Nội thực hiện đạt kết quả tích cực, tạo đột phá cho Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.