Thị xã Điện Bàn và những bước chuyển mình của một đô thị trẻ năng động
Bắc Từ Liêm phát triển kinh tế đô thị theo hướng nhanh, bền vững Quận Đống Đa “khoác trên mình chiếc áo xuân” rực rỡ Người dân phấn khởi tham quan đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội |
PV: Ông có thể điểm qua một vài kết quả nổi bật của thị xã Điện Bàn trong năm 2020?
Ông Đặng Hữu Lên: Năm 2020, ngoài những khó khăn, rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì thiên tai, bão lũ diễn biến liên tiếp cũng ảnh hưởng tác động không nhỏ. Nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, thị xã Điện Bàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thị xã đã tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025); Chủ động thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra. Qua đó, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng cao.
Ông Đặng Hữu Lên, Bí thư Thị ủy Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) |
Thị xã Điện Bàn cũng đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng phát triển thành đô thị loại 3 trước năm 2030.
PV: Bên cạnh những kết quả mà thị xã Điện Bàn đạt được thì những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục là gì, thưa ông?
Ông Đặng Hữu Lên: Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2020, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục, tháo gỡ đó là: Các dự án khu dân cư đô thị, dự án phát triển du lịch còn vướng mắc về thủ tục, cơ chế đầu tư chưa được tháo gỡ; Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc đầu tư và tiến độ triển khai các dự án.
Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, tình trạng xây dựng trái phép còn xảy ra; An ninh trật tự tuy được đảm bảo nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về tranh chấp đất đai; Tệ nạn ma túy, đánh bạc, tín dụng đen, băng nhóm đánh nhau gây rối trật tự công cộng; Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo mặc dù giảm nhưng tính chất, mức độ phức tạp gia tăng...
Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rất rõ những vấn đề hạn chế, tồn tại này và đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục.
PV: Ông có thể cho biết mục tiêu phấn đấu của thị xã Điện Bàn trong năm 2021?
Ông Đặng Hữu Lên: Năm 2021, thị xã phấn đấu đạt chỉ tiêu giá trị sản xuất toàn nền kinh tế tăng 11 - 12%, thu ngân sách nội địa tăng 4-5% so với năm 2020; Đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%; Triển khai đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của thị xã như: Trung tâm Thể dục Thể thao Bắc Quảng Nam; Cầu, đường dẫn ĐH 7, trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc... từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị; Tập trung xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tạo động lực cho phát triển thị xã; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính Nhà nước; Thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4, góp phần thực hiện thành công năm chủ đề về cải cách hành chính của thị xã.
Thị xã Điện Bàn đã thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng phát triển thành đô thị loại 3 trước năm 2030 |
PV: Người dân rất quan tâm đến việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò để kết nối du lịch và phát triển kinh tế vùng. Ông hãy chia sẻ về vấn đề này?
Ông Đặng Hữu Lên: Điện Bàn được thiên nhiên ưu đãi bởi các dòng sông (Thu Bồn, Vĩnh Điện, Cổ Cò, Bình Phước, Sông Yên…). Đây chính là nguồn tài nguyên, tiềm năng rất lớn để thị xã tạo được nét đặc trưng, bản sắc riêng của đô thị, chủ động trong mối quan hệ liên kết với thành phố Đà Nẳng và Hội An.
Việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ mang ý nghĩa phát triển giao thông đường thủy mà còn tạo nên năng lực mới cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Khơi thông dòng Cổ Cò sẽ mở ra tuyến giao thông thủy kết nối Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Dự án hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ từ Đà Nẵng đi các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam và ngược lại.
Điện Bàn đang cùng với tỉnh huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc nạo vét sông Cổ Cò, đồng thời, xây dựng các cây cầu bắc qua sông Cổ Cò. Đây sẽ là điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc và tạo điều kiện, động lực để đẩy mạnh phát triển đô thị ven sông, ven biển; Thu hút đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn góp phần phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói mà Điện Bàn hướng đến.
PV: Quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh ở thị xã Điện Bàn, đặc biệt là khu vực Điện Nam - Điện Ngọc, kèm theo đó cũng phát sinh bất cập như dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không có năng lực… gây nhiều hệ lụy. Xin ông cho biết, tỉnh Quảng Nam cũng như Điện Bàn đã có những giải pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề này trong thời gian tới?
Ông Đặng Hữu Lên: Hiện thị xã Điện Bàn có trên 90 dự án khu dân cư đô thị đã và đang triển khai; Trong đó, nhiều nhất là ở đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí có dự án kéo dài hàng chục năm chưa hoàn thành. Chủ yếu là do các nguyên nhân như: Chuyển đổi mô hình quản lý, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy trình thủ tục đầu tư...
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn liên tiếp có chỉ đạo, từng bước tháo gỡ vướng mắc, tập trung hướng dẫn, phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương thực hiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định nhằm khơi thông và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp triển khai dự án; Quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như tăng cường đối thoại với người dân bị ảnh hưởng; Đồng thời, nghiêm túc xử lý tổ chức, cá nhân chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Những vướng mắc vượt quá thẩm quyền, thị xã Điện Bàn tổng hợp, phân tích và đề xuất tỉnh hướng giải quyết đối với từng dự án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương. Đến nay, một số dự án đã được rà soát, tinh ra chủ trương xử lý để tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!