Xã hội hóa trong điện ảnh: Góc nhìn từ phim Hai Phượng
Góc nhìn từ một bộ phim giải trí xuất sắc
Sau khi ra mắt thành công tại thị trường quê nhà Việt Nam, bộ phim “Hai Phượng” của "đả nữ" Ngô Thanh Vân tiếp tục hành trình chinh phục các khán giả quốc tế. “Hai Phượng” chính là bộ phim Việt đầu tiên được hãng phát hành Mỹ mua và công chiếu cho khán giả Mỹ song song với thời gian công chiếu tại Việt Nam. Thông qua nhà phát hành Well Go USA, bộ phim về hành trình đi tìm con của cô gái giang hồ Hai Phượng được trình chiếu tại 13 cụm rạp tại Mỹ.
Điều đáng nói là bộ phim do hãng phim tư nhân VAA của Ngô Thanh Vân sản xuất. Đây ắt hẳn là một tín hiệu đáng mừng, một cú "bật đèn xanh" để nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng như những nhà làm phim tư nhân tại Việt Nam nói chung đủ can đảm để cho ra đời những bộ phim ngày càng chất lượng hơn, đủ sức đem quảng bá đến tới khán giả tại nước ngoài.
Tác giả Douglas Davidson của trang Elements of Madness nhận xét: "Các cảnh chiến đấu trong Hai Phượng như bước ra từ phim Thành Long vậy, không phải theo kiểu thử thách giới hạn chịu đừng của con người mà luôn giữ được vẻ chân thực tối đa.... Đạo diễn Lê Văn Kiệt và đạo diễn hành động Samuel Kefi Abrikh khiến cảnh hành động hạ màn dữ dội tức mức bạn sẽ mong Ngô Thanh Vân góp mặt trong phần ba của John Wick”. Nhận xét chung về bộ phim, Douglas Davidson đánh giá cao tính giải trí của Hai Phượng. "Sau cùng, hầu hết khán giả xem phim đều muốn được giải trí. Đó là thước đo rõ ràng nhất với phần lớn các bộ phim và cũng là cách hoàn hảo để đánh giá điện ảnh. Nếu xét theo phương diện này, Hai Phượng đã đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của khán giả".
Cary Darling, cây bút của trang Houston Chronicle rất ấn tượng với khả năng diễn xuất võ thuật của Ngô Thanh Vân. Ông nhận xét: “Nếu lần tới Jennifer Garner (diễn viên phim hành động nổi tiếng Hollywood) muốn đóng một phim hành động giống như bộ phim nhạt nhẽo Peppermint, cô ấy nên học hỏi từ Ngô Thanh Vân - một ngôi sao có sức lôi cuốn bùng nổ…. “Hai Phượng” có lẽ là bộ phim giải trí nhất thuộc thể loại này kể từ khi “The Raid 2: Berendal” tạo tiếng vang bên ngoài Indonesia 5 năm trước”.
Bên cạnh đó, Hai Phượng cũng ghi tên vào danh sách các phim tranh giải tại Liên hoan phim Osaka 2019 diễn ra từ ngày 8-17/3 sắp tới trong hai hạng mục Phim xuất sắc nhất và Diễn viên chính xuất sắc nhất. Liên hoan phim Osaka lần này có 14 bộ phim được đề cử từ nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển như: Hồng Kông, Hàn Quốc… Liên hoan phim Osaka thành lập từ năm 2005 tuy không thuộc top các liên hoan phim lớn của châu Á nhưng cũng là một cơ hội để “Hai Phượng” tiếp cận với nhiều khán giả, nhà phê bình, công ty phát hành phim nước ngoài, góp phần giúp điện ảnh Việt tạo dựng vị trí trong thị trường điện ảnh quốc tế.
Poster phim “Hai Phượng”.
Không chỉ có “Mùi đu đủ xanh”
Tại cuộc Hội thảo trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2018, đại diện Iran cho biết, trong điện ảnh Việt Nam ông chỉ biết có “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Nhiều nhà làm phim quốc tế cũng nghĩ rằng “Mùi đu đủ xanh” là bộ phim điển hình của điện ảnh Việt.
Theo phân tích của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì hiện tượng trên là do nhà sản xuất phim “Mùi đu đủ xanh” sau khi phim làm xong đã in vô số đĩa DVD rải khắp các cửa hiệu, các siêu thị lớn nhỏ trên thế giới. Gần đây, một cuốn sách chỉ dẫn cho khách du lịch Pháp còn viết về điện ảnh Việt Nam như sau: “Phim về đề tài chiến tranh Việt Nam chủ yếu là do Việt kiều ở Pháp và người Mỹ làm, và phim Việt Nam đáng giá nhất là “Mùi đu đủ xanh”. Điều đó cho thấy, rõ ràng công việc giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài lâu nay bị bỏ ngỏ.
Ngô Thanh Vân trong bom tấn “Chiến tranh giữa các vì sao: Jedi cuối cùng”.
Quay trở lại những bộ phim của Ngô Thanh Vân, nhớ lại một trường hợp thú vị khác trong điện ảnh Việt là phim “Dòng máu anh hùng” ra mắt năm 2007 cũng do Ngô Thanh Vân thủ vai chính. Khi ra mắt tại Việt Nam, bộ phim hành động có kinh phí 1,5 triệu đô la này đã rơi vào kết cục thảm bại mà chỉ thu về 5 tỷ đồng. Thất bại của “Dòng máu anh hùng” từng khiến đạo diễn Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương lao đao.
Tuy nhiên, “Dòng máu anh hùng” sau này được kênh truyền hình HBO mua lại bản quyền phát sóng, được chiếu lại nhiều lần và được khán giả quốc tế khá yêu thích. Với nhiều năm kinh nghiệm xâm nhập thị trường điện ảnh Việt Nam và Mỹ, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chắc hẳn hiểu rất rõ nguyên nhân thành bại của “Dòng máu anh hùng”. Ở một phương diện khác, Ngô Thanh Vân đẩy bộ phim “Hai Phượng” ra thị trường quốc tế để dư luận quốc tế ảnh hưởng ngược lại ý kiến khán giả tại Việt Nam. "Chiêu bài" cao tay này đã chinh phục được cả hai thị trường Việt Nam và Mỹ.
Phim Việt cần có chiến lược quảng bá
Tại Hội thảo Khoa học “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, việc xã hội hóa hay tư nhân hóa trong điện ảnh bắt đầu từ năm 2008 mà biểu hiện rõ nhất bằng sự ra đời của các hãng phim tư nhân trong sản xuất phim cũng như phát hành phim, nhập khẩu phim. Quá trình xã hội hóa đã tạo ra một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh.
Nhờ có xã hội hóa, bức tranh điện ảnh ngày nay thật phong phú, đa dạng. Sinh hoạt điện ảnh là sinh hoạt sôi động nhất so với các lĩnh vực hoạt động văn hóa văn nghệ khác với các buổi ra mắt phim mới có sự tham gia của giới showbiz, các lễ trao giải thưởng tại Liên hoan phim với các màn khai mạc, bế mạc, diễn viên mặc váy dạ hội đi trên thảm đỏ… được tổ chức rầm rộ có truyền hình trực tiếp. Các Liên hoan phim quốc tế được tổ chức ở Hà Nội đã tạo ra một không khí háo hức, sôi động trong sinh hoạt điện ảnh nước nhà. Những nhà làm phim cũng như khán giả Việt Nam có dịp được tiếp xúc với những người làm phim và nền điện ảnh tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chủ trương xã hội hóa trong điện ảnh 10 năm qua đã làm thay đổi đáng kế diện mạo điện ảnh, thúc đẩy cho sự phát triển về số lượng phim sản xuất cũng như phim nhập ngoại đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, việc quảng bá điện ảnh nước nhà ra thế giới chưa được nhà nước quan tâm, chưa đánh giá đầy đủ sức mạnh mềm của điện ảnh. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại của điện ảnh Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để phim Việt Nam được tham gia vào các Liên hoan phim Quốc tế như cung cấp bản phim, tài liệu tuyên truyền. Nhà nước cần dành một ngân sách để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Hai Phượng”, một trong những bộ phim do hãng phim tư nhân sản xuất đã làm nên một kỳ tích và là “cú hích” cho nền điện ảnh Việt Nam. Có thể đó không phải là bộ phim giải trí Việt hay nhất nhưng rất có thể sẽ là bộ phim hành động Việt thành công nhất nhờ chiến lược phát hành và quảng bá thông minh.