Vướng lùm xùm “qua mặt” cổ đông và những chỉ số tài chính “báo động” của Coteccons
Coteccons chính thức nhận án phạt vì “qua mặt” cổ đông Coteccons “qua mặt” cổ đông giao dịch với Unicons và Ricons Ông Nguyễn Bá Dương không còn là cổ đông lớn của Coteccons |
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021, ghi nhận doanh thu đạt 2.568 tỷ đồng, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình, doanh thu trong kỳ giảm chủ yếu từ mảng xây dựng giảm gần 28% so với cùng kỳ, đây là kết quả của việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19.
Mức doanh thu trên sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp thu về 120 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với quý 1/2020.
Cũng trong quý 1/2021, Coteccons phát sinh chi phí lãi vay khoảng 993 triệu đồng. Đồng thời, chi phí quản lý tiếp tục ghi nhận tăng cao khiến lợi nhuận ròng giảm chỉ còn 54,5 tỷ đồng, tương đương giảm 55,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý đầu năm công ty ghi nhận lãi thấp nhất từ trước đến nay.
Trước đó, năm 2020, công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng 334 tỷ đồng, chưa bằng nửa năm 2019.
Tính đến cuối quý 1/2021, Coteccons ghi nhận tổng tài sản ở mức 13.081 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm tới 7.243 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.240 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối quý 1/2021, Coteccons có khoản nợ phải trả 4.706 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Khoản nợ này đã giảm mạnh so với mức 5.758 tỷ đồng.
Coteccons là một thương hiệu lớn trong ngành xây dựng Việt Nam. |
Một vấn đề khác là bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền kinh doanh của Coteccons đã âm nhiều năm liên tiếp. Năm 2018 là năm đầu tiên đánh dấu chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và xây dựng, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm gần 934 tỷ đồng khi các khoản phải thu của công ty tăng mạnh.
Từ năm 2019-2020, dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do Coteccons duy trì việc giảm đáng kể các khoản phải trả hàng năm.
Cụ thể, năm 2019, dòng tiền kinh doanh âm 339 tỷ đồng và năm 2020 âm 567 tỷ đồng. Sang quý 1/2020, dòng tiền kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục âm hơn 184 tỷ đồng.
Thực tế trên thị trường chứng khoán hiện nay, trường hợp doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính với dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là không hiếm.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.
Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD của Coteccons đang trải qua chuỗi ngày không như ý. Trong một tháng qua, thị giá CTD đã giảm khoảng 15%, chốt phiên ngày 29/4 đang chốt ở mức 64.200 đồng/ cổ phiếu.
Cuối tháng 4/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Coteccons với hai hành vi vi phạm.
Theo đó, Coteccons bị phạt tiền 70.000.000 đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Công ty công bố thông tin báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 không có nội dung về giao dịch giữa công ty với người có liên quan.
Bên cạnh đó, Coteccons còn bị phạt tiền 85.000.000 đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị.
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2019 của Coteccons đã được kiểm toán, báo cáo tài chính riêng giữa niên độ cho kỳ kế toán sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2020 được soát xét; trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Coteccons có các giao dịch với các tổ chức có liên quan đến người nội bộ công ty.
Tuy nhiên, giao dịch giữa Cotecconsvới các bên liên quan trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 chưa được Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị thông qua.