Vụ việc "lòng xào dưa" ở Thái Bình: Quan điểm của các bạn trẻ Gen Z
1 đĩa lòng, 2 người ăn, 4 người lục đục, cả nước xôn xao |
Gen Z thành thị ra ở riêng và những bài học để trưởng thành |
Đừng mang lên mạng để câu view, hay kêu gọi đám đông adua
Bạn trẻ Nguyễn Văn Sâm (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, việc đăng các hình ảnh chụp màn hình tin nhắn Zalo của nữ giáo viên và lan truyền trên mạng xã hội Facebook có thể rất hả hê với ai đó khi họ đạt được mục đích nhưng khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ.
Bài viết sau khi đăng lên mạng nhanh chóng nhận hàng chục nghìn lượt người quan tâm, chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo những bình luận trái chiều, chứng tỏ sự lan truyền “khủng” của mạng xã hội. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Chẳng hạn như món “lòng xào dưa” bỗng trở thành hot trend nhưng câu chuyện cá nhân của cô giáo ấy sẽ còn “nổi sóng” với những hệ luỵ lâu dài với không chỉ bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến người thân, gia đình.
Cha mẹ, vợ chồng, con cái họ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng không nhỏ, có thể để tiếng cả đời vì sai lầm của người con, người vợ, người mẹ. Đặc biệt là con trẻ. Sau này, những đứa trẻ tiếp tục được nghe những câu chuyện không hay ho gì về cha mẹ mình, liệu chúng sẽ ra sao?
Vụ "lòng xào dưa” gây xôn xao cộng đồng mạng |
“Nếu sự việc đúng là ngoại tình thì cô giáo ấy đã vi phạm pháp luật và đáng lên án về đạo đức, lối sống, cần được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật phải để pháp luật xử lý, chúng ta không dùng cảm tính cá nhân đưa câu chuyện riêng tư người khác lên mạng, để rồi rất có thể lại vi phạm luật pháp. Về phía cộng đồng, chúng ta càng không nên tò mò về chuyện riêng tư của người khác quá nhiều, càng không nên mượn chuyện để câu view, hay kêu gọi đám đông adua”, Sâm chia sẻ.
Những câu chuyện không hay sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng
Nêu quan điểm về vụ việc trên, bạn Nguyễn Phúc Hoàng Long (26 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc ngoại tình của hai người trong nội dung tin nhắn được chia sẻ là không thể chấp nhận được, tuy nhiên, việc tung chuyện cá nhân lên mạng như vậy sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Hình thức xử lý hành vi bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội: Buộc xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bôi nhọ danh dự người khác; Chịu trách nhiệm hình sự khi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. |
“Vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, ngoại tình hay có những mối quan hệ ngoài luồng khi đã lập gia đình là những thứ đi ngược với thuần phong mỹ tục, đạo đức và trái với văn hóa Việt Nam nên cần phải được lên án mạnh mẽ nhưng việc đưa những câu chuyện cá nhân mà ở đây là câu chuyện “không hay” sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.
Gia đình, người thân, bạn bè và đặc biệt là con cái sẽ chịu những áp lực nặng nề. Thử tưởng tượng những đứa trẻ sẽ cảm thấy như thế nào khi đến trường hay đi đâu sẽ bị người khác dòm ngó, chế diễu và thậm chí là mỉa mai khi bố, mẹ chúng lại chính là lý do.
Có quá nhiều vụ việc tương tự khi được đăng lên mạng gây ra những hậu quả đáng tiếc. Có những vết thương mà người vô tình trở thành nạn nhân sẽ không bao giờ lành lại được, đặc biệt với con trẻ. Mình mong rằng mọi người khi có những vấn đề cá nhân sẽ hạn chế, suy nghĩ thật kỹ trước khi công khai lên mạng xã hội vì đó sẽ là con dao hai lưỡi có thể gây ra những tư tưởng, định hướng sai lầm đến suy nghĩ và lối sống của cộng đồng”, Hoàng Long chia sẻ.
Việc người lớn - Hãy nghĩ nhiều đến con trẻ
Có thể thấy, từ trước tới nay chuyện đánh ghen vẫn diễn ra, tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay, hình thức đánh ghen đã có nhiều thay đổi và hệ lụy kèm theo cũng nhiều hơn. Thay vì việc đánh ghen chỉ có 3 người biết hoặc một nhóm người biết với nhau như trước đây thì trong thời đại công nghệ số, câu chuyện đánh ghen có lẽ đã trở thành câu chuyện mà cả thiên hạ đều biết đến.
Bạn trẻ "đu trend" món "lòng xào dưa" |
Bạn Vũ Hoàng Nghị (quận Long Biên, Hà Nội) nêu ý kiến, những tin nhắn, hình ảnh hay clip… trong các vụ đánh ghen một phần do người trong cuộc tự phát tán. Khi đó, họ chỉ có ý nghĩ tung lên mạng cho mọi người “cùng xem” để “biết bộ mặt thật” của một ai đó. Một hành động tưởng chừng đơn giản nhưng lại kéo theo nhiều hệ luỵ với những người có liên quan.
Khi tận mắt chứng kiến chồng hoặc vợ ngoại tình, tâm lý người trong cuộc thường thiếu sự kiểm soát và xuất hiện các cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, tức giận dẫn đến tâm lý chung là muốn làm cho rõ ngọn ngành sự việc. Để đạt được mục đích của mình, một số người dùng cách quay lại clip, chụp hình ảnh, tin nhắn… để tố giác lỗi lầm của đối phương, số khác còn mang tâm lý muốn làm nhục kẻ phản bội và “con giáp thứ 13”.
Tuy nhiên khi đánh ghen, người trong cuộc chỉ nghĩ tới việc làm sao để giải tỏa được nỗi uất ức trong lòng mà không lường tới những hệ lụy về sau, điển hình như sự việc của nữ giáo viên ở Thái Bình. Bởi, một khi “các bằng chứng” đánh ghen đã được phát tán trên mạng xã hội, nguy cơ cuộc sống đời tư của tất cả những người liên quan bị cộng đồng mạng đào xới là rất lớn.
“Đặc biệt, hành động của người lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến con trẻ. Tôi thấy rất thương cảm cho những đứa trẻ là con của các gia đình trong vụ đánh ghen “lòng xào dưa”. Chúng sẽ phải đối diện với bạn bè, xã hội ra sao với hành động của cha mẹ chúng.
Có nhiều trường hợp con xấu hổ không dám đi học, có cháu bỏ nhà, có cháu bị trầm cảm, ảnh hưởng đến tinh thần, học hành sa sút… hận cha hoặc mẹ đã làm xấu hổ, thì hậu quả không thể lường trước được. Vì vậy, người lớn có làm gì xin hãy nghĩ đến con trẻ trước tiên. Chúng hoàn toàn vô tội”, Vũ Hoàng Nghị bày tỏ.
Theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác… Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình. Đồng thời, người có hành vi vi phạm phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý còn bị phạt từ 10-20 triệu đồng (theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). |