Vụ Asanzo: Cơ quan chức năng lúng túng, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề!

Nghi vấn Tập đoàn Asanzo cạo nhãn "Made in China" để gắn mác "Made in Vietnam" qua mắt khách hàng đến nay vẫn chưa có kết luận của nhà chức trách, trong khi đó doanh nghiệp lại hối thúc sớm có kết quả điều tra cuối cùng để công việc kinh doanh không bị đình trệ.
Tập đoàn Asanzo phản đối Nguyễn Kim, Điện máy Xanh thu đổi sản phẩm Bộ Công Thương nói về vụ Asanzo thay xuất xứ Trung Quốc thành hàng Việt Hải quan TPHCM tổng kiểm tra, rà soát Công ty Asanzo

Giữa tháng 6/2019, việc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị bị báo chí phản ánh sản phẩm tivi có xuất xứ Trung Quốc nhưng sau đó được cạo nhãn để gắn mác "Made in Vietnam" đánh lừa người tiêu dùng đã khiến không chỉ cộng đồng doanh nghiệp sửng sốt mà dư luận, khách hàng cả nước bàng hoàng, phẫn nộ.

Sau khi thông tin trên xuất hiện trên các trang báo, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và nhiều Bộ, ngành đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng lập tức đăng đàn giải thích cho rằng việc sử dụng linh kiện để lắp ráp sản phẩm và gắn mác ''Made in Vietnam'' là không vi phạm pháp luật.

Thậm chí, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam đã có “Thỉnh nguyện thư” gửi tới Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị cơ quan này sớm xúc tiến kiểm tra, đưa ra kết luận khách quan để công việc kinh doanh của công ty không bị đình trệ.

Ông Tam giải thích rằng từ đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo sản xuất và lắp ráp thành phẩm toàn bộ các sản phẩm điện tử gia dụng của Công ty mà không nhập khẩu thông qua bên thứ 3 nào. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, đơn vị có nhập khẩu một số mặt hàng thông qua đối tác, đó là lý do trên thị trường hiện nay đang đồng thời tồn tại hai dòng hàng xuất xứ khác nhau, có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

vu asanzo co quan chuc nang lung tung doanh nghiep ngam don
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo trong xưởng sản xuất. Ảnh: FB Asanzo.

Bên cạnh đó, ông Tam cũng cho biết, theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, bắt buộc Asanzo phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả hàng hoá lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam, dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau. “Vì thế, không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng khi ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng tivi do chúng tôi sản xuất”, ông Tam khẳng định.

Mặc dù cơ quan chức năng chưa kết luận đúng sai nhưng doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Tam cho biết, nghi vấn báo chí nêu Asanzo nhập khẩu sản phẩm điện tử gia dụng từ Trung Quốc sau đó thay đổi xuất xứ thành Việt Nam để lừa người tiêu dùng đã khiến các nhà phân phối ngừng nhập hàng và tất cả tài khoản ngân hàng đều đã bị đóng băng khiến cho việc kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ, khốn đốn.

Hiện tivi hiện là sản phẩm chủ lực của Asanzo, dù mới đặt chân vào thị trường vài năm, nhưng tivi Asanzo đã lọt vào top 4 thương hiệu tivi bán chạy nhất ở Việt Nam. Có thể nói, tivi Asanzo là sản phẩm đầu tiên được sở hữu bởi doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh được với các thương hiệu toàn cầu như Sony, Samsung, LG, Panasonic...

Đáng lưu ý là, việc gỡ tem xuất xứ Trung Quốc trên sản phẩm tivi của Asanzo như phản ánh (nếu có) thì hiện nay cũng không có quy định pháp luật nào bắt buộc doanh nghiệp phải giữ tem xuất xứ linh kiện. Còn việc dán nhãn xuất xứ Việt Nam, Asanzo lý giải việc dán lên nắp sau của tivi là nhãn cho cả chiếc tivi sau khi đã hoàn thiện và đã được quy định tại Nghị định 43/2017.

Theo Asanzo, tại điều 15 của Nghị định 43/2017 quy định cho phép doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hoá của mình, nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá hiện nay được nêu trong Nghị định 31/2018.

"Việc nhập khẩu linh kiện, hoặc đặt hàng sản xuất linh kiện rồi thực hiện lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh đang là phương thức sản xuất phổ biến trong ngành điện tử gia dụng, Asanzo không phải là trường hợp cá biệt", Chủ tịch Asanzo từng lý giải.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài hoặc đặt hàng nước ngoài gia công chế biến rồi đóng gói, kinh doanh và bảo hành ở Việt Nam không phải là hiếm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp đang thực hiện như vậy, bởi linh kiện, điện tử, dệt may của Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều từ nước ngoài.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam là sản phẩm có tỷ lệ phần trăm giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam ≥ 30% tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất ra. Như vậy, nếu hiểu đúng, một hàng hóa được gắn mắc "Made in Vietnam" chưa chắc nguyên liệu làm nên hàng hóa đó có xuất xứ 100% từ Việt Nam.

"Như vậy, nếu sản phẩm tivi Asanzo như ông Tam nói là nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại tự làm như việc thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote... thì Asanzo không sai mà vấn đề là cơ quan chức năng cần sớm kết luận cụ thể vụ việc này", Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh chia sẻ.

Hơn nữa, trước đó, hồi tháng 2/2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định dẫn trên quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Theo Luật sư Diện, việc cần làm bây giờ là cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận xác định rõ ràng là hành vi của Asanzo có đúng pháp luật hay không, nếu sai thì kẽ hở quy định xuất xứ hàng "Made in Vietnam'' như thế nào để có phương án ngăn chặn, tránh các doanh nghiệp lợi dụng để gian lận gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng; làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Cũng theo Luật sư Diện, vụ việc Asanzo cần phải nhìn từ nhiều chiều hướng, nếu đúng chẳng sao nhưng sai tới đâu xử tới đó, xử theo quy định của pháp luật và vấn đề là tìm ra kẽ hở để doanh nghiệp không có đất gian lận.

"Ngày nào chưa có kết luận cuối cùng thì doanh nghiệp vẫn phải chịu thiệt hại ngày đó, lúc đó hệ lụy cũng khó có thể đong đếm được, không phải chỉ riêng Asanzo mà còn các doanh nghiệp khác sau này. Thậm chí, khi chưa rõ trắng đen thì ngay cả người tiêu dùng cũng còn hoang mang, chứ chưa nói đến những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam bị ảnh hưởng".

Quang Minh - Hậu Lộc
Phiên bản di động